Độc đáo tranh gạo

Sáng tạo và luôn nỗ lực không ngừng chính là bí quyết để cô gái trẻ Nguyễn Thúy Vy thành công khi kinh doanh nghệ thuật với các sản phẩm tranh cát, tranh gạo, tranh đá quý. Trong đó, độc đáo nhất chính là sản phẩm tranh gạo.

Sáng tạo và luôn nỗ lực không ngừng chính là bí quyết để cô gái trẻ Nguyễn Thúy Vy thành công khi kinh doanh nghệ thuật với các sản phẩm tranh cát, tranh gạo, tranh đá quý. Trong đó, độc đáo nhất chính là sản phẩm tranh gạo.

Trả ơn quê hương

Những ngày này, dù đang rất bận rộn chuẩn bị sản phẩm cho dịp lễ Quốc tế Phụ nữ 8-3 nhưng Thúy Vy vẫn dành cho tôi một buổi trò truyện khá dài. Khi biết có người muốn tìm hiểu về tranh gạo, cô sẵn lòng dứt mình ra khỏi những bộn bề của công việc để được nói, được thêm một lần thỏa đam mê cùng hạt gạo.

“Học chuyên ngành quan hệ quốc tế nên việc đến với nghệ thuật thực sự là cái duyên” - Vy bắt đầu kể tôi nghe câu chuyện của mình. Ban đầu, Vy và chị gái Nguyễn Ngọc Quỳnh chỉ muốn giúp một nghệ nhân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tranh cát.

Nhưng cái duyên chẳng biết tự khi nào lại biến thành nợ, 2 chị em quyết định xây dựng thương hiệu tranh nghệ thuật Quỳnh Vy vào năm 2009, khi ấy Vy đang là sinh viên năm thứ 3. Với sự trợ lực của chị gái và gia đình, Vy càng tự tin với quyết định của mình.

Bước vào con đường kinh doanh với sản phẩm không mới là tranh cát cô gái trẻ mới dần cảm nhận được biết bao khó khăn. Nhưng chính bằng sự sáng tạo của tuổi trẻ, cơ sở tranh cát Quỳnh Vy đã có những thành công bước đầu khi sản phẩm được khách hàng đón nhận. Rồi một lần tình cờ qua người anh họ học ngành mỹ thuật, Quỳnh Vy phát hiện ra một thể loại độc đáo là tranh gạo.

“Nếu thành công, cơ sở Quỳnh Vy sẽ là đơn vị tiên phong trong loại hình độc đáo này. Và đó cũng là dịp để mình có thể trả ơn quê hương Cần Thơ” - cô nhớ lại những suy nghĩ ban đầu cách đây 3 năm. Nghĩ là làm, nhưng tiên phong bao giờ cũng vấp phải vô vàn khó khăn.

Đầu tiên là khâu chọn gạo, vì tranh gạo không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nhuộm màu nào, hoàn toàn màu tự nhiên của gạo nên ngoại trừ một số loại gạo như nếp than, huyết rồng có thể sử dụng được ngay, còn gạo tám, gạo tẻ... phải sấy và gia nhiệt để tạo nên các tông màu từ trắng, vàng đến nâu nhạt, nâu sậm, đen...

Nhưng công đoạn tạo màu cũng lắm gian nan. Ban đầu Vy canh lửa thủ công nên màu không đều, hạt gạo dễ bị vỡ. Sau rất nhiều thử nghiệm, cô và các nghệ nhân của mình mới tích lũy được bí quyết tạo màu, bảo quản hạt gạo trong khoảng 7-10 năm.

Song vất vả hơn cả là phải tỉ mỉ gắp từng hạt gạo lên tranh, phối màu sáng tối dựa trên 2 tông chủ đạo vàng-nâu để thổi hồn cho những bức tranh gạo. Lại thêm việc thuyết phục khách hàng trong buổi đầu cũng lắm gian nan.

Nguyễn Thúy Vy hướng dẫn khách tham quan thực hiện tranh gạo ở Festival Việt Nam tại Nhật Bản. 

Nguyễn Thúy Vy hướng dẫn khách tham quan thực hiện tranh gạo ở
Festival Việt Nam tại Nhật Bản. 

Làm hoàn toàn thủ công nên những bức tranh gạo thường phải mất 7-10 ngày mới hoàn thiện. Thậm chí, có nhiều bức mất đến cả tháng. Thành công trong việc tạo ra những sản phẩm độc đáo, Vy quyết định đưa ra thị trường bằng con đường chính là internet.

Ban đầu chỉ là những bài viết giới thiệu trên một website mua bán, sau khi dần nhận được sự ủng hộ, website riêng của cô ra đời, rồi showroom tuy nằm trong con hẻm nhỏ nhưng được rất nhiều khách hàng biết tới.

“Thành công hôm nay đến nhanh hơn dự kiến của Vy và những người thân trong gia đình” - cô tâm sự. Từ lúc khởi nghiệp đơn giản đến nay Vy đã có trong tay nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo, cùng khoảng 30 nghệ nhân cho mỗi mảng tranh. Cô mạnh dạn tiếp thị sản phẩm của mình đến các doanh nghiệp lớn.

Cơ sở tranh nghệ thuật Quỳnh Vy đã ký được nhiều hợp đồng cung ứng dài hạn cho các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước nên luôn có lượng khách hàng ổn định, nhờ vậy, việc kinh doanh tiến triển khá tốt.

Mang hồn Việt ra thế giới

Không chỉ thu hút được các khách hàng trong nước, Quỳnh Vy còn nhận đơn đặt hàng từ các khách hàng nước ngoài. Cơ duyên cũng bởi tính độc đáo, mang hồn dân tộc trong mỗi sản phẩm tranh gạo ấy. Đến nay, không ít các vị lãnh đạo đã sử dụng tranh gạo Quỳnh Vy làm quà lưu niệm cho bạn bè các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia… và cả những hoa hậu Việt Nam khi tham gia đấu trường sắc đẹp quốc tế cũng tìm đến sản phẩm tranh gạo Quỳnh Vy.

Cơ duyên nào giúp Quỳnh Vy có được may mắn này? Vy vốn là người rất hay tham gia các hoạt động từ thiện. Trong một lần mang tranh gạo đấu giá làm từ thiện, sản phẩm này của Vy đã được đánh giá cao. Từ đó Vy nhận được nhiều lời mời tham dự các hội chợ, giao lưu văn hóa các nước.

Tháng 10-2012, cơ sở tranh nghệ thuật Quỳnh Vy vinh dự được tham gia Ngày hội Doanh nhân 2012 tại Vương quốc Campuchia. Dịp đó, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam, đã thay mặt đoàn tặng quà lưu niệm cho bà Men Sam On, Đại tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Vương quốc Campuchia, món quà bức tranh gạo do các nghệ nhân tranh gạo Quỳnh Vy thực hiện, thể hiện hình ảnh Bến Nhà Rồng, địa danh lịch sử của Việt Nam, biểu tượng của TPHCM.

Bên cạnh đó, những tác phẩm như Sen Việt, Áo dài Việt, UBND TPHCM... cũng được đại diện Việt Nam tặng cho các đại biểu đến từ các bộ, ban ngành của Campuchia.

Vy rất hào hứng khi nói về những sản phẩm của mình được mang đến với bạn bè 5 châu, cùng nhiều người đẹp ra đấu trường nhan sắc thế giới. Vũ Hoàng My đã mang theo bức tranh gạo với hình ảnh Quốc Hoa (hoa Sen). Hay Hoa khôi Thể thao 2012 Lại Hương Thảo mang đến cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2012 tại Ba Lan bức tranh gạo có hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài trắng, đội nón lá - Quốc phục của Việt Nam.

Còn khi được trở thành đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất vào tháng 11-2012, á hậu Đỗ Hoàng Anh mang theo bức tranh gạo với hình ảnh thanh bình của vùng làng quê để tham gia hoạt động đấu giá từ thiện…

Không ngừng sáng tạo và trưởng thành hơn qua thời gian, công việc kinh doanh đã dạy cho cô nhiều điều. Nếu ngày trước Vy chỉ chú trọng đến sản phẩm, làm sao có được nhiều sản phẩm mới thì nay cô quan tâm nâng chất lượng dịch vụ. Trong đó, dịch vụ tranh cát ngày cưới của Quỳnh Vy thu hút được sự quan tâm của nhiều cặp uyên ương. Khi được hỏi việc học ở khoa quan hệ quốc tế có vẻ hơi phí khi Thùy Vy ra trường rẽ sang kinh doanh nghệ thuật?

“Thực ra những kiến thức về văn hóa các nước khi được học ở trường đại học đã giúp Vy rất nhiều trong việc kinh doanh này. Đặc biệt khi đến với các nước chính việc hiểu văn hóa đã giúp Vy có thể mang đến những sản phẩm tranh đặc trưng” - Vy thổ lộ.

Ở tuổi 25, Vy tự tin mình có thể làm được nhiều điều hơn thế. Nhiều dự định đang được cô ấp ủ và sẽ từng bước thực hiện. Thành công trong kinh doanh giúp cô gái trẻ thấy mình chững chạc hơn. Sự đồng hành từ bố mẹ, chị gái, anh rể cũng là động lực giúp cô thêm vững tin cho bước đường phía trước.

Các tin khác