Kẻ làm thuê chuyên nghiệp

1.Trong hoạt động kinh doanh năm qua có một sự kiện nổi bật xảy ra là hàng loạt cán bộ quản lý cấp cao ngành ngân hàng bị bắt, bị khởi tố vì hành vi kinh doanh trái phép, rút ruột đầu tư nội bộ... dẫn đến nhiều khoản nợ có khả năng mất trắng. Ngân hàng - một ngành kinh doanh bằng chữ “Tín” và là một nghề được xã hội trọng vọng, cũng chưa bao giờ thương tổn nhiều như vậy. Danh sách những nhân vật dính líu đến các vụ bê bối cứ dài ra. Có phải vì vậy mà những lần gặp gỡ, cùng nhau chén tạc chén thù tôi thấy Vũ kém vui, có phần ưu tư trầm mặc.

1.Trong hoạt động kinh doanh năm qua có một sự kiện nổi bật xảy ra là hàng loạt cán bộ quản lý cấp cao ngành ngân hàng bị bắt, bị khởi tố vì hành vi kinh doanh trái phép, rút ruột đầu tư nội bộ... dẫn đến nhiều khoản nợ có khả năng mất trắng.

Ngân hàng - một ngành kinh doanh bằng chữ “Tín” và là một nghề được xã hội trọng vọng, cũng chưa bao giờ thương tổn nhiều như vậy. Danh sách những nhân vật dính líu đến các vụ bê bối cứ dài ra. Có phải vì vậy mà những lần gặp gỡ, cùng nhau chén tạc chén thù tôi thấy Vũ kém vui, có phần ưu tư trầm mặc.

Nền kinh tế đi xuống, thu nhập xã hội giảm sút, doanh nghiệp không bán được hàng, người dân, công chức hạng thấp lận đận với cơm áo gạo tiền... thì vui nỗi gì. Nhưng có phải khách quan tác động theo kiểu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” hay còn lý do khác?

Báo chí và các mạng xã hội dồn dập đưa tin bắt người này, khởi tố người nọ, toàn những nhân vật có tầm vóc, đáng kính một thời, đã làm nhiều người nao núng. Tin đúng cũng có, tin sai cũng nhiều, tin bịa đặt, thêu dệt theo kiểu “dậu đổ bìm leo” tha hồ phát tán...

Vì vậy, nhiều lúc tôi sinh nghĩ quẩn: Vũ có dính líu vào các thương vụ kia? Có phải vì lo bị “chộp” mà sinh ưu tư buồn phiền? Là bạn thân quen, tôi biết Vũ rất rõ: Anh không ham kiếm tiền bằng mọi giá, không mở công ty “sân sau” như nhiều quan chức khác, không vay mượn kinh doanh riêng, con cái còn nhỏ, không thuộc loại “phá gia chi tử“... Còn về tính cách, Vũ là người ăn ngay nói thẳng, không dễ lung lạc, không ai dễ ép làm điều xằng bậy. Vậy hà cớ gì?

Tôi và Vũ là bạn từ nhỏ, cùng học trường làng, cùng trường trung học. Đến khi lên đại học mới bắt đầu ngã rẽ. Tôi học ngành ngữ văn-xã hội, Vũ học ngành tài chính-ngân hàng. Ra trường tôi làm báo còn Vũ làm ngành ngân hàng. Làm báo thì cứ mãi làm báo.

Còn ở ngành ngân hàng, Vũ cứ leo lên một cách chắc chắn, như lập trình sẵn: nhân viên tín dụng, phó trưởng phòng rồi trưởng phòng, phó giám đốc rồi giám đốc chi nhánh, phó giám đốc rồi giám đốc sở giao dịch, phó tổng giám đốc ngân hàng rồi được đề bạt tổng giám đốc ngân hàng thương mại.

“Hoạn lộ” của Vũ như cánh diều gặp gió, làm nhiều người kính phục nhưng cũng không ít bạn bè thắc thỏm tỵ hiềm.

Một ngã rẽ khiến Vũ có thể đổi đời, trở thành quan chức cấp cao khi vị lãnh đạo ngành biết Vũ quá giỏi nghiệp vụ, am tường nhiều vấn đề, tinh thông ngoại ngữ, đã mời Vũ ra làm việc tại cơ quan trung ương, phụ trách một bộ phận quan trọng, chức vụ không thua ai. Một người còn trẻ, thân phận bình thường, không ai “chống lưng” thì đó là niềm vinh hạnh lớn, là bàn đạp để có thể vươn lên các vị trí cao hơn.

Vũ đồng ý chấp nhận ra đi. Và trên cương vị mới, với vai trò tham mưu quản lý, Vũ cũng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, luôn xuất hiện trên báo với những phát biểu hoặc bài viết mang tính nghiên cứu, đề xuất sắc sảo. Nhưng sau đó 3 năm, người ta lại thấy Vũ quay về đơn vị cũ, tiếp tục ghế tổng giám đốc.

Bạn bè gặng hỏi anh mới trả lời: Con người làm việc ngoài danh phận còn vì việc mình thích, mình đam mê hơn là những chuyện phù du do vị trí đó mang lại. Làm việc thì có lúc căng có lúc nhàn nhưng “đấu nhau” thì lúc nào cũng mệt, phải đối phó dài dài. Mất sức quá nên mình trở về vị trí sở trường thôi!

Lúc báo chí, trên mạng “dội bom tấn” về hành vi khuất tất các quan chức ngân hàng, tôi khó khăn lắm mới hẹn gặp được Vũ. Vẫn là cái quán quen thuộc xa khu vực trung tâm thành phố. Quán vắng, không ồn ào nhưng không gian ấm cúng, tiện cho các cuộc chuyện trò. 

 

- Chà, lâu lắm mới gặp tổng giám đốc. Sợ anh em vay tiền sao? - tôi hỏi thay lời chào.

- Bận tối mặt ông ơi. Ngân hàng nào bây giờ cũng lo khách hàng rút vốn, hụt thanh khoản, phải họp ngày họp đêm, chiều chuộng khách hàng như thượng đế - Vũ trả lời.

Trong nhóm bạn, Vũ là người ít nhậu, nhưng khi nhậu phải chơi tới bến, rất hào sảng, rượu vào lời ra. Khi đã ngà ngà, theo thói quen in sâu từ thời học sinh sinh viên, tôi và Vũ hay mượn đàn của quán, cùng đàn hát những bài nhạc lắng đọng trong tiềm thức không hề phai mờ.

Đó là những bài tình ca của Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng; những bản nhạc ngoại quốc thời thượng nổi tiếng những năm 70, 80 thế kỷ trước và một số bản nhạc hay hiện nay, để chứng tỏ mình không lạc hậu...

Tôi và Vũ thay nhau đàn. Có phải do cùng “gu” đàn, cùng cảm nhận cái hay của một mô típ nhạc, không ồn ào nhưng rất sâu lắng mà chúng tôi thân nhau và thân hơn các bạn khác?

2. Mỗi khi gặp nhau chúng tôi ít nói về công việc, nghề nghiệp của mình. Cứ xem đó là phần việc của mỗi người tự lo, tự xử. Chuyện nhờ vả nhau càng không. Có phải vì vậy mà chúng tôi làm bạn bền hơn vì không vướng víu chuyện này, chuyện kia mất lòng nhau.

Có lần Vũ tâm sự làm nghề của nó cũng khổ, nhiều người quen xa cách. Nó nói làm tổng giám đốc ngân hàng thì không thể ngồi lê lết quán cóc uống rượu, ăn lẩu dê như trước - mặc dù là rất ngon. Đi máy bay thì vào lối ưu tiên, ngồi khoang riêng của doanh nhân, cũng làm xa cách bạn bè.

Đi xe hạng sang là do cơ quan trang bị theo chuẩn đẳng cấp để đối ngoại, còn người quen cứ tưởng là mình giàu, khoe mẽ. Có bạn đến vay tiền nhưng không hội đủ thủ tục, mình từ chối cũng mang tiếng “tham phú phụ bần”, quay lưng bạn bè thuở hàn vi...

Hôm ấy, cũng với số bạn bè ấy, các món ăn quen thuộc ấy, cũng không gian ấy nhưng tôi thấy Vũ trầm lặng khác thường. Báo chí mấy ngày qua đăng ầm ầm một số lãnh đạo ngân hàng cùng các nhóm cổ đông rút ruột ngân hàng, lập ma trận sở hữu chéo, dùng vốn khuynh đảo, thâu tóm một số ngân hàng, doanh nghiệp.

Cơ quan công an đang vào cuộc, bóc tách hành vi phạm pháp của những người liên quan để xử lý. Phải chăng Vũ cũng “dính” vào việc này? Tôi nghi ngại, nhưng dẫu thân đến đâu, cũng không dám hỏi, đành nói chuyện vu vơ: Thời buổi làm ăn khó khăn quá, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nhiều đại gia cũng phải kêu trời than đất, không biết vào “hộp” lúc nào...

Không biết Vũ có hiểu ý tôi không, cũng phân bua công việc của mình: Làm ngân hàng năm nay quá khó. Lãi suất tăng vọt không ai dám vay. Có khách hàng vay ngân hàng cũng e dè không dám mạnh tay, sợ đòi không được, mất vốn vì lãi quá cao.

Lãi quá cao nên ngân hàng sợ mất khách hàng gửi tiền do nhiều ngân hàng khác tung chiêu xé rào hút vốn... Câu chuyện cứ lan man như thế.

- Chưa bao giờ ngân hàng lại hoạt động như bà hàng xén, như tiệm chạp phô. Cũng thách giá, trả giá tiền gửi, tiền vay. Lãi suất niêm yết chỉ để đối phó. Làm minh bạch, bài bản ư, họ rút hết vốn liếng. Ngân hàng này “bị nạn” thì ngân hàng kia cho nhân viên đến tận cổng mời chào, níu kéo khách hàng về mình - Vũ nói ngán ngẩm.

Giã từ bữa tiệc, đêm về tôi vẫn băn khoăn: Phải chăng vì vậy nên bạn kém vui hay còn nguyên cớ khác không tiện nói. Làm nghề báo tôi chứng kiến nhiều tình cảnh “lên voi xuống chó” một cách bất ngờ, khá đau đớn của nhiều nhân vật lẫy lừng một thời.

Nhiều người được ca tụng đến mây xanh, được phong anh hùng lao động thực thụ, nhưng sau đó lại rơi vào vòng lao lý. Giới doanh nhân vẫn có những người nặng tâm lý kiếm chác, làm giàu bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, bất chấp đạo đức và sau đó phải trả giá.

Nhưng số đông vẫn là những con người chuẩn mực, tài năng, biết nắm thời cơ để làm giàu cho mình và cho người khác, thể hiện trách nhiệm xã hội cao cả. Một số người có máu phiêu lưu, đi trước thời cuộc, muốn đánh nhanh thắng lẹ nên nếm “trái đắng” đã đành.

Một số người khác dày dạn kinh nghiệm thương trường, chỉn chu trong công việc, không tham lam kiếm tiền cho riêng mình, cũng vướng vòng lao lý. Một số người khác do bất trắc trong kinh doanh, rủi ro khách quan ngoài tiên liệu... phải chấp nhận vỡ nợ, vô phương khắc phục.

Nhiều doanh nhân tên tuổi đã đi tù. Và khi tòa tuyên có tội, tôi cũng phải chấp nhâïn họ có tội, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn kiêng nể, vẫn không coi đó là những người xấu, lợi dụng địa vị để mưu cầu tiền bạc, vơ vét vào túi riêng.

3. Vậy Vũ thuộc loại nào? Nhiều lúc tôi tự hỏi mình đã thật sự hiểu bạn chưa - người bạn từ lúc để chỏm cùng tắm trên dòng sông quê. Nếu bạn lâm nạn tôi có giúp được gì không?

Tôi cứ ray rứt mãi. Sau đó tôi mấy lần gọi cho Vũ, rủ rê đi nhâm nhi như mọi khi nhưng Vũ đều từ chối, nói bận việc không có thời giờ ngồi lai rai. Hay Vũ tránh tôi để dàn xếp mọi việc cho êm, tạm lánh một thời gian. Mối nghi ngại càng tăng thêm, tôi càng lân la tìm cách gặp Vũ.

Ngược lại, Vũ càng tỏ vẻ xa lánh tôi. Mấy ngày nay báo chí đăng một số thành viên ngân hàng Vũ dính vào một nhóm thâu tóm ngân hàng, thực hư chưa biết ra sao, nhưng tin này càng làm tôi phát sốt. Tôi gọi điện thẳng cho Vũ:

- Chiều nay mình gặp nhau được không, chỗ cũ?

- Tôi bận túi bụi, lo “dọn dẹp” lại các chi nhánh, tăng cường an toàn hoạt động thời buổi này. Rảnh đâu mà bù khú!

- Hay có việc gì với ông, ông tránh tôi? - tôi do dự, nhưng sau đó hỏi thẳng thừng.

- Không có chuyện đó đâu, đừng nghe lời đồn đại bậy bạ. Khi nào thu xếp việc ổn, tôi điện mời ông.

Vũ trả lời như thế nhưng tôi vẫn cứ thấy nao lòng, đâm lo. Hay mình sắp mất đi một người bạn? Những doanh nhân nổi tiếng kia vướng vào vòng điều tra, phải chịu án, đối với tôi dù sao cũng chỉ là ngôi thứ ba, là những người tôi biết, tôi gặp trên công việc, trong đường đời.

Còn tôi và Vũ, hai đứa đều có chung cả một quãng thời gian đẹp nhất, vô tư cùng nhau mài đũng trên ghế nhà trường, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi thuở sinh viên trên chiếc xe đạp cà tàng, từng uống chung ly cà phê - là ngôi số một - chẳng lẽ đã đến lúc chia xa?

Vũ bảo rảnh sẽ gọi tôi nên tôi cũng không gọi cho Vũ. Bẵng đi cả tháng tôi mới nhận được điện thoại Vũ, vào lúc gần 10 giờ đêm, bảo ra quán cũ. Tôi nhận điện thoại mời nhậu mà lòng cứ rối bời, tự nhủ: Thôi rồi, vậy là xong rồi. Giờ này mời đi nhậu, chắc là ngày mai nó bị “lượm” rồi. Cuộc nhậu chia tay...

Ở Sài Gòn người ta có thể ăn uống bất cứ giờ nào. Thời gian làm việc, ăn nghỉ, chơi bời không rạch ròi như các tỉnh thành khác. Đêm khuya, quán vắêng, chỉ lèo tèo vài bàn của các nghệ sĩ tan ca hát xướng, những cặp tình nhân vãng phố khuya hay những người có công việc nghịch giờ đến ngồi đồng xả stress, chờ vào ca... Tôi và Vũ chọn một góc riêng để chuyện trò.

Đã lâu không gặp nhưng cuộc gặp diễn ra có phần gượng gạo, không tự nhiên. Hình như mỗi người đều ấp ủ điều gì muốn nói, ngại lên tiếng trước. Mãi đến lưng nửa chai rượu, Vũ nhìn tôi hất hàm, hỏi thẳng:

- Ông lo tui dính chấu vào các vụ lùm xùm ngân hàng phải không?

Tôi đành thú thật là rất lo, vì lời đồn đãi lan truyền rộng làm tôi bất an, không biết thật hư ra sao. Vũ nhấp ngụm rượu như nuốt giọt đắng, nói: Bạn bè phải hiểu nhau, ông mà không tin tôi thảo nào gần đây người quen, bà con cứ nhìn tôi bằng ánh mắt ngờ vực, mà tôi cũng không thể chạy theo giải thích. Nhiều người cũng lạ, lúc chưa sinh chuyện thì hữu hảo, đon đả mời chào, còn lúc có chuyện - dù là đồn đoán vu vơ - liền sinh nghi như người phạm tội.

Thêm vài chầu rượu nữa, Vũ mới dốc bầu tâm sự:

- Lao vào nghề kinh doanh tôi biết phải giữ mình, làm điều đúng đắn. Ai đó phiêu lưu còn tôi không bao giờ chấp nhận chuyện phiêu lưu, làm việc sai trái. Tôi là người làm thuê chuyên nghiệp, không phải làm cho mình mà làm cho hội đồng quản trị, có cổ đông giám sát.

Vậy thì làm bậy, làm sai để làm gì? Trước sức ép chỗ này, nơi kia đòi bỏ qua một số điểm khuất tất, tôi kiên quyết phản đối. Tôi nói thẳng, tôi là kẻ làm thuê, tôi chấp nhận mất lòng chứ không bao giờ để mất mạng, mất tự do, xa rời vợ con, bạn bè, xấu hổ với đời... Thiệt hại ấy lớn lắm!

Như chưa vơi nỗi niềm, Vũ tâm sự: Vào đời, tôi tự nhủ phải vượt qua chính mình, làm điều khó, làm tốt việc được giao, không tham lam. Cũng may ở chỗ tôi thành viên quản trị không phải là những đại gia quái ác, cứ mong tài sản của mình phải phình lên theo cấp số nhân.

Tôi trình bày quan điểm nghề nghiệp của mình, họ chấp nhận tôi là kẻ làm thuê chuyên nghiệp, bằng không tôi xin biến, chứ tôi không chịu làm sai, chiều chủ vô lối. Cũng nhờ đó tôi tai qua nạn khỏi, mặc dù bên ngoài cứ đồn ầm. Thời buổi thật lạ, có người làm tốt kẻ khác cũng không muốn, gièm pha, không bằng lòng, cứ tung hê rối mù lên...

Gỡ được “nút thắt” này, không khí vỡ òa, trở nên dễ thở. Tôi và Vũ cứ ngồi đó chén tạc chén thù, nói đủ thứ chuyện như xưa mặc đêm trôi khuya khoắt.

Tình cờ cuối năm gặp lại, tôi thấy Vũ sắc diện hồng hào, phong thái khoan thai. Vũ hẹn: “Công việc tái cơ cấu ổn rồi, hoạt động nhịp nhàng rồi. Cầu mong năm mới hanh thông... Tôi rảnh hơn, hẹn ông hôm nào có cuộc nhậu khuya nữa nhé!”.

Các tin khác