Hóa giải khó khăn, nắm bắt cơ hội

Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ 2013, TS. TRẦN DU LỊCH, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM, chia sẻ với ĐTTC những nhận định về tác động chính sách và xu hướng diễn biến kinh tế năm mới. Năm 2013 sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản, những doanh nghiệp không có khả năng sẽ phải “chết” và cần phải được “chôn”.

Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ 2013, TS. TRẦN DU LỊCH, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM, chia sẻ với ĐTTC những nhận định về tác động chính sách và xu hướng diễn biến kinh tế năm mới. Năm 2013 sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản, những doanh nghiệp không có khả năng sẽ phải “chết” và cần phải được “chôn”.

Gỡ nút thắt vốn

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, NHNN đã liên tiếp hạ trần lãi suất huy động, nhưng vẫn không áp trần lãi suất cho vay tất cả lĩnh vực. Nhiều chuyên gia đã đề xuất tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2013, theo ông điều này có khả thi?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Nếu năm 2013 lạm phát kỳ vọng 6% hoàn toàn có thể kéo lãi suất huy động ở mức 6-7%/năm và cho vay dưới 10%/năm là hợp lý. Vấn đề đặt ra là NHNN triển khai thực hiện việc này như thế nào. Thứ nhất, lãi suất là kết quả của cung cầu vốn trên thị trường, NHNN không thể áp dụng biện pháp hành chính đặt trần cho vay.

Người dân nếu không đầu tư kinh doanh, tiền thừa nên gửi ngân hàng và nên cẩn trọng trong đầu tư bất động sản, vàng, USD… Riêng ngành ngân hàng, hiện nay chỉ một số NHTM yếu kém, còn triển vọng của hệ thống trong năm 2013 không quá khó khăn. Vấn đề là các NHTM nên xác định rõ mình cũng là doanh nghiệp, không có đặc quyền, đặc lợi như trước đây.

Ngay việc NHNN đang áp trần cho vay đối với một số lĩnh vực đó cũng chỉ là tình thế và chỉ có thể áp dụng với các NHTM quốc doanh. Vậy nút thắt ở đâu, làm sao giảm được vì lãi suất là quan hệ cung cầu?

Với công cụ tiền tệ của mình, NHNN liệu có thể mở cung tín dụng, như tái cấp vốn, tái chiết khấu được không? Dường như NHNN chưa mạnh dạn làm điều này. Thứ hai, liệu NHNN có chấp nhận khoanh nợ ở một số lĩnh vực.

Bởi lẽ việc khoanh nợ này các NHTM không dám tự làm vì sợ quy trách nhiệm cố ý làm trái. Hơn nữa, các NHTMCP còn có ý kiến cổ đông, ban kiểm soát, khó có thể phá chuẩn về an toàn.

Vì vậy, cả 2 mặt đều liên quan đến quyết định của NHNN như thế nào. Bởi nếu chúng ta không khoanh nợ, đối tượng cần vay không vay được và NHTM cũng không thể cho vay lãi suất thấp được.

Không mở cung làm sao kéo lãi suất, trong khi tiền NHTM đang thừa được dùng mua trái phiếu chính phủ (TPCP). Đây là một nghịch lý. Huy động 8-9%/năm mua TPCP lãi suất 7-8%/năm nhưng không thể cho vay.

Để giải quyết vấn đề này phải kéo lãi suất tiền gửi xuống. Tuy nhiên, việc này đang vướng vấn đề một số NHTM lách trần lãi suất quy định để chạy đua huy động giải quyết thanh khoản. Như vậy, chỉ khi nào các NHTM thực sự ổn định thanh khoản mới có thể kéo giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, cần thấy rằng nếu chưa giải quyết được vấn đề nợ xấu và ổn định thanh khoản của các NHTM, các biện pháp khác đều không có tác dụng.

- Năm 2013 liệu nền kinh tế có thể phục hồi tốt với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%? Và NHNN có thể linh hoạt trong việc mở cung tín dụng để kích đà tăng trưởng?

- Với nhu cầu tăng trưởng kinh tế nước ta, chỉ tiêu tăng tín dụng 12% là thấp. Bởi đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam kinh doanh dựa trên tiền vay là chính, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại các công ty mua nông sản đều dùng vốn ngân hàng.

Hiện nay 97% nguồn tín dụng ngắn, trung, dài hạn do ngân hàng cung cấp. Nghĩa là ngân hàng “một mình một chợ”, trong khi ở nhiều nước khác, nguồn vốn trung, dài hạn do các định chế tài chính phi ngân hàng cung cấp.

Mặt khác, dù mức tăng trưởng tín dụng 12% là thấp, nhưng có hấp thụ được vốn hay không là vấn đề khác. Làm kế hoạch đặt ra như vậy, làm được hay không còn tùy thuộc vào nền kinh tế.

Cũng như năm 2012 NHNN đã phải thay đổi liên tục dự kiến kế hoạch tăng trưởng, từ 15-16% xuống 12%, rồi xuống còn 10% và cuối cùng chỉ 7%. Nhưng 7% này bao gồm cái gì, bao nhiêu % là đảo nợ vẫn còn là vấn đề.

Chưa mở rộng đầu tư

- Lãi suất huy động ở mức thấp 8%/năm nhưng tiền gửi ở hệ thống NHTM vẫn tăng. Theo ông, thời điểm này là cơ hội để các NHTM huy động vốn trung, dài hạn cho vay dài hạn kích cầu đầu tư?

- Năm 2012 lãi suất huy động giảm 6 lần nhưng tiền gửi trong hệ thống NHTM vẫn tăng. Điều này thể hiện niềm tin của người dân vào các kênh đầu tư khác chưa có và như vậy cơ hội để các NHTM huy động vốn trung, dài hạn cũng khó.

Bởi khi người dân chưa yên tâm về vấn đề lạm phát, cùng với việc lãi suất biến động, nên các NHTM khó huy động nguồn vốn trung, dài hạn trong dân. Đáng lưu ý năm 2012 tiền gửi của dân tăng nhưng tiền gửi của doanh nghiệp giảm.

Điều này xuất phát từ thị trường bất động sản đóng băng, kênh vàng biến động đầy rủi ro nên người dân chỉ còn con đường gửi tiết kiệm và năm 2013 xu hướng vẫn sẽ tiếp tục.

Năm 2013 các DN cần tái cấu trúc để tồn tại, phát triển hiệu quả bằng chính nội lực của mình. Ảnh: CAO THĂNG

Năm 2013 các DN cần tái cấu trúc để tồn tại, phát triển hiệu quả
bằng chính nội lực của mình. Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, tiền gửi của doanh nghiệp chưa thể tăng vì đa số doanh nghiệp kiệt quệ. NHNN biết rõ chuyện này nên phải cân nhắc mức lãi suất huy động nào để hấp dẫn vốn người dân và áp trần huy động vẫn là ngắn hạn.

Để khuyến khích các NHTM cho vay trung, dài hạn, NHNN có thể linh hoạt cơ cấu cho vay, như lâu nay khống chế các NHTM chỉ được lấy 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Có thời điểm tỷ lệ này được nâng lên 40% và hiện nay có thể áp dụng được, bởi ngồi trông chờ nguồn vốn huy động trung, dài hạn của NHTM rất khó.

- Nhân dịp đầu xuân, ông có lời khuyên nào cho người dân, doanh nghiệp?

- Năm 2013 là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu phát triển thị trường, đổi mới công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, chứ chưa nên mở rộng đầu tư, mở rộng thị trường. Bởi năm 2012 doanh nghiệp đã nhận thấy rõ sự bất ổn của cơ cấu tài chính do nợ quá lớn.

Chi phí tài chính của các doanh nghiệp trong năm 2012 ước tính lên đến 20 tỷ USD, bằng 1/6 của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã cho thấy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào nợ chứ không phải vốn.

Năm qua doanh nghiệp tồn tại được nhờ không phụ thuộc quá lớn vào nợ và đây là bài học kinh nghiệm cho các năm sau. Mục tiêu của Chính phủ là hỗ trợ thị trường tự điều chỉnh, không thực hiện gói kích thích kinh tế như năm 2009.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác