Các ngành XK (B3): Cơ hội da giày

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày Việt Nam trong năm 2013, nhưng chính trong cơ hội ấy lại là những thách thức không nhỏ.

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày Việt Nam trong năm 2013, nhưng chính trong cơ hội ấy lại là những thách thức không nhỏ.

Vẫn là nguyên phụ liệu

Khép lại 1 năm nhiều khó khăn với ngành da giày Việt Nam khi liên tục phải chống đỡ với những chính sách bảo hộ, chống bán phá giá ở những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU cũng như việc sụt giảm đơn hàng, năm 2013 gõ cửa với khá nhiều thông tin vui dành cho DN.

Theo tin từ Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), đến nay nhiều DN đã nhận được đơn hàng cho năm 2013, thậm chí có DN đã có đơn hàng đến hết quý II. “Đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ có thể tăng khoảng 10% nhờ tác động tích cực từ TPP, còn thị trường EU năm nay sẽ ổn định hơn so với 2012” - ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, cho biết.

Ngành da giày cần nắm bắt cơ hội để vượt thoát khó khăn. Ảnh: KIM NGÂN

Ngành da giày cần nắm bắt cơ hội để vượt thoát khó khăn. Ảnh: KIM NGÂN

Nói đến TPP là nhắc đến những cơ hội cho nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có da giày. Dự kiến TPP sẽ được các nước ký kết trong năm 2013. Khi TPP có hiệu lực, nhiều khả năng thuế suất đối với ngành hàng da giày Việt Nam vào Hoa Kỳ, nước chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam, sẽ giảm đi một nửa.

Tuy nhiên, cơ hội này cũng chính là thách thức cho hầu hết DN xuất khẩu da giày Việt Nam, vì khi TPP được thông qua sẽ có quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đối với sản phẩm giày để được hưởng ưu đãi thuế suất. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của chúng ta còn thấp, mới chỉ khoảng 40%.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, chia sẻ: “Việc hình thành vùng nguyên phụ liệu nội địa không hề đơn giản. Thứ nhất là nguồn vốn đầu tư. Thứ hai là đầu ra cho sản phẩm. Cả 2 đều là những bài toán hóc búa”.

Ông Khánh giải thích cụ thể, để đầu tư cho một công ty chuyên sản xuất nguyên phụ liệu phải chấp nhận lỗ trong 1-2 năm đầu tiên. Song song đó là vấn đề đầu ra: làm sao nguyên phụ liệu trong nước có thể cạnh tranh với hàng giá rẻ đến từ Trung Quốc? Hiện cũng có một số đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu nhưng nhỏ lẻ và manh mún. Muốn làm được việc này phải có sự chung tay, giúp sức của các cơ quan chức năng.

Nhưng “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều, ngay cả TPHCM cũng từng có quyết định thành lập vùng nguyên phụ liệu nội địa nhưng lại không thực hiện được” - ông phân trần.

Ngoài ra, khi nhận được đơn hàng cũng chưa hẳn niềm vui đã trọn vẹn, vì dù giá đơn hàng tương đương năm 2012 nhưng các chi phí đầu vào của DN trong năm 2013 này dự kiến tăng khoảng 30%, như vậy làm nhiều chưa chắc lãi. Thêm vào đó, một thách thức rất lớn khác đang đặt ra với toàn ngành chính là năng suất lao động.

Dù Việt Nam có nguồn nhân công giá rẻ nhưng năng suất lại thấp hơn đến 30% so với một số nước trong khu vực. Nhưng làm sao để các DN sản xuất có được cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao lại là bài toán chưa có lời giải.

Chiến lược lâu dài

Năm 2012 ngành da giày Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm đơn hàng đáng kể từ những thị trường chính trong đó chủ yếu là EU. Nhưng vì sao chúng ta vẫn về đích với kim ngạch 8,5 tỷ USD và tự tin đặt ra mục tiêu 9,5 tỷ USD cho xuất khẩu da giày, túi xách trong năm 2013.

Đó là do các DN đã thành công khi tiếp cận thị trường mới. Có những thị trường mức tăng trưởng so với năm 2011 hết sức ấn tượng như như Slovakia tăng 205,34%, Đan Mạch tăng 129,77%, Ba Lan tăng 121,35%... “Những thị trường này đã cứu chúng tôi 2 năm qua. Những năm tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều thị trường để giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống” - ông Nguyễn Chính, đại diện Công ty Giày Nam An (Đồng Nai), cho hay.

Việc tìm kiếm thị trường mới đang là chiến lược dài hơi của ngành da giày cũng như một số ngành xuất khẩu chủ lực khác. Tất nhiên, đến thị trường mới DN cũng phải tìm cách vượt qua rào cản mới. Ngoài câu chuyện xuất khẩu, vài năm gần đây ngành da giày bắt đầu nói đến chuyện chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nhưng cũng như ngành gỗ, thị trường nội địa với khoảng 90 triệu dân dễ gây ảo tưởng cho không ít DN. Hiện chúng ta chỉ có một vài cái tên nội có chỗ đứng trên sân nhà là Vina Giầy, Biti’s, T&T…

Nhưng theo tìm hiểu của ĐTTC, doanh thu và lợi nhuận trong năm 2012 của những DN này hầu hết không tăng, thậm chí giảm vì sức mua thị trường yếu. Còn những DN nhỏ, những cơ sở sản xuất lẻ gần như đều rất “mệt mỏi” khi phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng. Cũng có vài DN xuất khẩu vì kỳ vọng với thị trường nội đã hình thành hẳn một đội ngũ thiết kế, dây chuyền sản xuất riêng như công ty An Lạc. Song cho đến nay, việc DN có thể đi 2 chân vẫn không đơn giản.

Như vậy, để có thể giải quyết những thách thức trong chính các cơ hội mà DN đang có, DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Bằng không, một trong những bài toán khó nhất là nguyên phụ liệu sẽ không thể có lời giải. 

Các tin khác