Các ngành XK (B2): Thách thức thủy sản

Năm 2012, xuất khẩu thủy sản đã không hoàn thành kế hoạch 6,5 tỷ USD, chính vì vậy năm 2013 toàn ngành sẽ đứng trước những thách thức lớn hơn khi nhiều khó khăn còn đang bủa vây.

Năm 2012, xuất khẩu thủy sản đã không hoàn thành kế hoạch 6,5 tỷ USD, chính vì vậy năm 2013 toàn ngành sẽ đứng trước những thách thức lớn hơn khi nhiều khó khăn còn đang bủa vây.

Né đơn hàng lớn

Bất chấp sự sụt giảm nhu cầu của các thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản so với những năm trước, nhưng khá nhiều DN trong ngành thủy sản vẫn có đơn hàng đến hết quý I-2013, thậm chí có những DN như Bianfishco hiện đã ký được hơn 40 hợp đồng xuất khẩu qua Hoa Kỳ và công ty này dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 90 triệu USD trong năm 2013.

Việc xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 sẽ như thế nào thì chưa thể dự báo, song một trong những việc cần làm ngay trong năm 2013 này là phải ổn định nguồn nguyên liệu.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE,
Tổng thư ký Vasep 

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng mạnh dạn đặt bút ký những hợp đồng lớn như Bianfishco. Né đơn hàng lớn, nhận đơn hàng nhỏ lẻ đang là một thực tế trớ trêu của ngành thủy sản Việt Nam, bởi ký rồi mà không có vốn mua nguyên liệu thì chỉ có nước chết.

“Thiếu vốn cùng với sự bấp bênh nguồn nguyên liệu đang là 2 bài toán khó nhất của hầu hết các DN trong ngành” - ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), chia sẻ.

Việc nhận các đơn hàng nhỏ lẻ còn là cách để không ít DN giảm lỗ. Theo chia sẻ của một DN tại Cần Thơ, để cạnh tranh với các đối thủ đến từ Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, về giá bán DN Việt Nam phải hạ giá liên tục thậm chí có những lúc “giá bán xuống mức thấp nhất từ khi chúng tôi tham gia thị trường đến nay” - ông Minh bức xúc. Giá đầu ra giảm nhưng các yếu tố đầu vào lại tăng nên làm nhiều sẽ lỗ nhiều.

Dự kiến trong năm 2013 này chi phí đầu vào cho các hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng khoảng 30%. Vasep cũng không ít lần kiến nghị Chính phủ dành nguồn vốn ưu đãi cho các DN thủy sản, nhưng cho đến nay câu chuyện tiếp cận nguồn vốn này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Mới đây nhất, Vasep đang kiến nghị thí điểm mở rộng hạn mức tín dụng cho 20 DN hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra. Những DN này hiện đang chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu, hầu hết đều có vùng nuôi nên tự chủ được nguyên liệu, có thị trường xuất khẩu ổn định.

Việc có vùng nuôi để tự chủ nguyên liệu thoạt nghe sẽ là hướng đi phù hợp cho các DN, song các DN cũng gặp không ít khó khăn để duy trì việc này mà chung quy chỉ vì thiếu vốn. Ngoài ra, DN còn lo lắng trước sự bấp bênh của nguồn nguyên liệu. Mà nguyên nhân chính vẫn là chúng ta chưa đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thủy sản một cách bền vững.

Chết vì quy hoạch?

Việc thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất vốn là một căn bệnh trầm kha của ngành thủy sản trong nhiều năm qua. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, việc thiếu nguyên liệu càng trở nên trầm trọng hơn. Hiện tượng người nuôi chán nản, treo ao do bị lỗ đang rất phổ biến.

Trong năm 2012, những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm không đạt mục tiêu do thiếu nguyên liệu, tôm chết nhiều nhưng nguyên nhân lại chưa được xác định rõ. Và thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu trong năm 2013.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú. 

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng lại phải ngồi với nhau để bàn một câu chuyện không mới là quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Bởi chính việc thiếu quy hoạch tổng thể nên người nuôi, thậm chí chính DN vẫn đang phải tự làm, tự chịu là chính.

Và khi không thể chịu được nữa thì việc phải buông tay là điều không đáng ngạc nhiên. Đến nay đã có tới khoảng 30% DN phá sản, gần 50% DN đang hết sức khó khăn, còn số lượng người nuôi bỏ ao cũng không nhỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần phải liên kết các hộ nuôi trồng nhỏ lẻ lại với nhau. Hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất để dễ kiểm soát được dịch bệnh hay ngăn chặn việc sử dụng các loại chất cấm trong nuôi trồng thủy sản...

Và đặc biệt, phải để người nuôi có thể tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Việc liên kết giữa sản xuất, cung ứng, chế biến, xuất khẩu cần phải được xem xét, tổ chức lại một cách bài bản. Ngoài việc quy hoạch vùng nguyên liệu thì việc tổ chức, quản lý các DN cũng hết sức quan trọng. Theo tính toán của Tổng cục Thủy sản, trong năm 2013 này ngành thủy sản cần 301 tỷ đồng để phát triển.

Sẽ còn rất nhiều việc để các cơ quan chức năng phải làm trong năm 2013 này cũng như những năm tiếp theo để số DN phá sản ít đi, DN có lời nhiều lên, người nông dân tin tưởng và gắn bó với ngành nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là để ngành thủy sản Việt Nam giữ vững vị trí thứ 4 thế giới về xuất khẩu.

Bức tranh xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2013 có vẻ đang thiếu đi nhiều gam màu sáng. Song với những nỗ lực từ chính các DN, từ phía hiệp hội và sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng mong rằng xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ về đích đúng hẹn. 

Các tin khác