Nợ xấu - Từ nhận thức đến giải pháp

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ ngân hàng đã đến hạn làm tỷ lệ nợ xấu gia tăng, kéo theo những hệ lụy mà trước tiên là gây nên tình trạng ách tắc tín dụng. Các cơ quan chức năng đã tỏ rõ quyết tâm xử lý nợ xấu nhằm khơi thông dòng tín dụng và xa hơn là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu mà không gây nên các hiệu ứng tiêu cực (vĩ mô, vi mô) hay phá vỡ kỷ luật thị trường là một bài toán khó.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ ngân hàng đã đến hạn làm tỷ lệ nợ xấu gia tăng, kéo theo những hệ lụy mà trước tiên là gây nên tình trạng ách tắc tín dụng. Các cơ quan chức năng đã tỏ rõ quyết tâm xử lý nợ xấu nhằm khơi thông dòng tín dụng và xa hơn là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu mà không gây nên các hiệu ứng tiêu cực (vĩ mô, vi mô) hay phá vỡ kỷ luật thị trường là một bài toán khó.

Nợ xấu gia tăng và nhận thức

Tín dụng cho nền kinh tế từ đầu năm 2012 đến nay tăng rất chậm, khoảng 7%, một mặt phản ánh mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp giảm sút đáng kể do nợ quá hạn và nợ xấu gia tăng, mặt khác phản ánh cầu đầu tư giảm sút.

Lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động công bố tỷ lệ nợ xấu, điều này cho thấy tỷ lệ nợ xấu của NHTM báo cáo và số liệu của cơ quan giám sát có sự khác biệt, phản ánh các quan hệ tài chính tiền tệ và quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch.

Cụ thể năm 2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng theo các ngân hàng báo cáo khoảng 3,2% tổng dư nợ và tăng lên 4,47% vào cuối quý II-2012; trong khi con số của cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng công bố là 8,6% tổng dư nợ, tương đương 202.000 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 3-2012) và 8,82% vào cuối quý II-2012.

Như vậy có hiện tượng các TCTD che giấu nợ xấu, làm đẹp bản báo cáo tài chính. Riêng dự án bất động sản tính đến 31-10-2012 khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2011, nhưng nợ xấu khoảng 13,5% tổng dư nợ bất động sản, tương đương hơn 28.000 tỷ đồng.

Nợ xấu cao và ngày càng lớn phản ánh mô hình tăng trưởng không hợp lý và kém hiệu quả. Việc tăng trưởng kinh tế (GDP) cao dựa vào vốn là chính, trong khi công nghệ mà cụ thể là quản lý không theo kịp, doanh nghiệp càng vay nhiều càng khó có khả năng quản lý hiệu quả các đồng vốn vay đó.

Do đó, khi kinh tế suy giảm (như hàng tồn kho gia tăng, thất nghiệp gia tăng, số doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động cũng tăng), đã phản ánh vào tài sản của doanh nghiệp và các khoản doanh nghiệp vay ngân hàng khó có khả năng trả nợ là điều tất yếu, từ đó nợ xấu gia tăng. Nợ xấu gia tăng trong thời gian dài mặc nhiên phản ánh các ngân hàng yếu kém về quản trị rủi ro nói chung.

Tình trạng che giấu nợ xấu có thể là nguyên nhân của động cơ để được lương - thưởng cao, chia cổ tức, giữ giá cổ phiếu ngân hàng (đối với ngân hàng niêm yết); tình trạng sở hữu chéo đang được kiểm soát chặt chẽ hơn cũng có thể làm lộ rõ những khoản tín dụng có vấn đề từ quan hệ này.

Các biện pháp tháo gỡ

Ngăn chặn nguy cơ tăng nợ xấu trong tương lai. Hiện tại, Chính phủ đã có một loạt chính sách tháo gỡ về mặt vĩ mô như Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012. Theo đó, Chính phủ đang chủ trương hỗ trợ có phân biệt về thuế và tiền tệ đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất thực sự (nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng xuất khẩu), trong khi không khuyến khích đầu cơ bất động sản, chứng khoán... 

Xử lý nợ xấu nhưng cần duy trì kỷ luật thị trường và công bằng xã hội. Quan sát có thể thấy, Chính phủ đã rất nỗ lực trong xử lý nợ xấu trên cơ sở không phá vỡ kỷ cương, kỷ luật thị trường. Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản do đầu cơ quá mức (thể hiện hệ số đòn bẩy tài chính cao) xin được cứu trợ và đề nghị chính sách tiền tệ nới lỏng (bơm tiền).

Tuy nhiên, việc bơm tiền, nới tín dụng sẽ khiến lạm phát gia tăng. Cứu bất động sản (hệ lụy của đầu cơ quá mức) thoát ra khỏi khó khăn, nhưng cái giá phải trả là lạm phát và người “thụ hưởng lạm phát” lại là đại đa số dân chúng.

Việc dùng ngân sách nhà nước (NSNN) để hỗ trợ các nhà đầu cơ bất động sản một cách quá dễ dàng sẽ khó đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng, vì bong bóng bất động sản và chứng khoán lại gia tăng và là nguy cơ của lạm phát và nợ xấu.

Kinh nghiệm cho thấy, xử lý nợ xấu qua NSNN thường gây ra tâm lý ỷ lại và gây bất bình cho xã hội về sự công bằng, làm giảm kỷ cương pháp luật. Trước đây Chính phủ thường sử dụng trái phiếu để xử lý nợ xấu, do đó xử lý nợ xấu ngân hàng sẽ làm tăng nợ Chính phủ vào thời kỳ tiếp theo. Báo giới nước ngoài cho rằng nợ Việt Nam có thể tăng 32% trong thời gian tới nếu xử lý nợ xấu ngân hàng dựa quá mức vào NSNN.

Xử lý nợ xấu không phá vỡ chính sách tiền tệ. Thông thường, việc tái cấp vốn giúp NHTM thêm thanh khoản, nhưng có thể làm phá vỡ chính sách tiền tệ độc lập của ngân hàng trung ương.

Vừa qua NHNN đã khá linh hoạt trong việc đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng trong các thời điểm nhạy cảm, đồng thời kiên định với chính sách tiền tệ chặt chẽ có kiểm soát và không nới lỏng các điều kiện tín dụng đối với các doanh nghiệp tụt hạng tín nhiệm, đảm bảo để chính sách tiền tệ không bị phá vỡ.

Tóm lại, vấn đề xử lý nợ xấu tuy trong tầm kiểm soát, nhưng nợ xấu có chiều hướng gia tăng và cần được xử lý theo các cách thức phù hợp. Hiện tại Chính phủ đang đi đúng hướng theo phương pháp “phân tán” nhằm đảm bảo kỷ luật tài chính, không gây áp lực tăng nợ chính phủ (nợ công) và đặc biệt không phá vỡ chính sách tiền tệ.

Theo đó, thứ nhất, tiếp tục cải cách khu vực ngân hàng theo hướng hội nhập quốc tế hơn nữa nhằm tiếp thu công nghệ, quản trị, quản lý, các nguồn lực tài chính từ nước ngoài cho quá trình cơ cấu lại; nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ vào khu vực ngân hàng trong nước trên nguyên tắc nhà đầu tư chiến lược, nhằm giảm áp lực chi lên NSNN cho xử lý nợ xấu.

Thứ hai, mọi quá trình tăng vốn cho NHTM, đặc biệt là vốn từ NSNN, hay quá trình xử lý nợ xấu của NHTM cần được gắn liền với điều kiện về cải cách quản trị, quản lý và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Thứ ba, củng cố thị trường chứng khoán để đảm bảo thị trường này hoạt động đúng chức năng; tiếp tục cổ phần hóa các NHTM nhà nước; thúc đẩy cho các NHTMCP thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.

Các tin khác