Lao đao vì tin đồn

Trong sữa, bánh kẹo có đỉa, trong bia có chất diệt tinh trùng, trong cà phê có chất gây ung thư… một loạt tin đồn thất thiệt thời gian qua đang khiến các doanh nghiệp lao đao.

Trong sữa, bánh kẹo có đỉa, trong bia có chất diệt tinh trùng, trong cà phê có chất gây ung thư… một loạt tin đồn thất thiệt thời gian qua đang khiến các doanh nghiệp lao đao. 

Sát thủ mang tên tin đồn

Khoảng 2 tháng nay, tin đồn có đỉa trong sữa lan truyền nhiều nơi. Tin đồn này đi liền với tin đồn trước đó thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua đỉa cho vào thực phẩm chế biến và thức ăn cho người. Từ đó, nhiều người tiêu dùng thiếu thông tin, hiểu biết, nhất là ở khu vực nông thôn đồn thổi có đỉa trong sữa, trong bánh kẹo và cả trong bụng người lan đi với tốc độ rất nhanh.

Riêng với sữa, mặt hàng thực phẩm nhạy cảm nên tốc độ lan truyền càng trở nên nhanh chóng. Đầu tiên là tin đồn sữa Mộc Châu có đỉa khiến doanh nghiệp này bị sốc. Trước tình trạng tin đồn gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân chăn nuôi bò sữa, Hiệp hội Sữa Việt Nam liên tục có văn bản gửi các cơ quan chức năng và cơ quan thông tin đại chúng khẳng định đỉa không thể tồn tại được trong sữa.

Các nhà khoa học và cơ quan chức năng cũng nhiều lần khẳng định điều này, từ đó tin đồn tạm lắng dịu. Tuy nhiên, ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết gần đây tại một số tỉnh Bắc bộ như Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa lại rộ lên tin đồn tương tự, xuất phát từ khiếu nại của một khách hàng đối với hộp sữa chua bị hỏng do nấm mốc, nhưng sau đó tin này lan là trong hộp sữa đó có sinh vật lạ, giống đỉa!

Sau Mộc Châu, một số nhãn hàng sữa khác cũng bị dính tin đồn tương tự. Mới đây tin đồn trong sữa có đỉa lại tiếp tục lan đến một số tỉnh Nam Trung bộ. Trước tình trạng này, Hiệp hội Sữa Việt Nam lại phải có văn bản cầu cứu lãnh đạo Bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những kẻ đã tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân nuôi bò và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, nhưng các DN sữa vẫn bị tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Đ.DƯƠNG

Được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến với quy trình
kỹ thuật nghiêm ngặt, nhưng các DN sữa vẫn bị tin đồn
thất thiệt gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản
xuất kinh doanh. Ảnh: Đ.DƯƠNG

Công ty Bia Huế với sản phẩm bia Huda mới đây cũng lao đao vì dính tin đồn xấu. Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Bia Huế, cho biết vào khoảng tháng 7, ở Quảng Bình bỗng rộ lên tin đồn Trung Quốc mua lại nhà máy bia này và bỏ vào bia các chất độc gây hại cho sức khỏe (chất chống say, chất diệt... tinh trùng).

Tin đồn nhanh chóng lan sang địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế - thị trường bia Huda chiếm 95% thị phần. Hậu quả, doanh số và sản lượng bia Huda tại những thị trường này giảm mạnh, có nơi giảm 60-70% như tại Quảng Trị.

Trước đó, đầu năm 2012, Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) cũng điêu đứng bởi tin đồn sóng điện từ tại nơi làm việc (nhà máy tại Bắc Ninh) gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của công nhân cả nam lẫn nữ. Do tác động của tin đồn, không ít công nhân bỏ việc, nhiều công nhân khác hoang mang, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty.

Được vạ, má đã sưng

Ngay sau khi tin đồn rộ lên, SEV tiến hành làm rõ thông tin bằng cách mời các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra bức xạ và bức xạ i-on để xác nhận lại các chỉ số điện từ trường và phóng xạ tại nơi sản xuất. Kết quả, tất cả đều đảm bảo tiêu chuẩn cho phép và không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của công nhân làm việc tại công ty.

Đầu tháng 3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi cơ quan chức năng địa phương yêu cầu làm rõ những thông tin thiếu cơ sở khoa học, đồng thời gửi văn bản đến các cơ quan chức năng ở Trung ương đề nghị xử lý nghiêm việc đưa thông tin không chính xác, chưa có bằng chứng khoa học.

Về trường hợp của Công ty Bia Huế, ông Nguyễn Mậu Chi cho biết, nhờ sự chỉ đạo làm rõ và công bố minh bạch thông tin của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, tin đồn thất thiệt mới chấm dứt.

Tuy nhiên, được vạ thì má đã sưng, công ty đã phải chịu mức thiệt hại không nhỏ trước đó vì không bán được hàng. Hiện việc tiêu thu sản phẩm bia Huda tại các tỉnh từng diễn ra tin đồn bất lợi kể trên đã có phần phục hồi, nhưng vẫn chưa được như cũ và phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể phục hồi hoàn toàn.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), cho rằng tin đồn thất thiệt tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng, gây rối thị trường, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên quan.

Trên thực tế, trường hợp doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng liên quan mật thiết đến sức khỏe con người bị thiệt hại lớn do tin đồn thất thiệt như Bia Huế không phải là mới và hiếm. Để triệt tiêu những tin đồn thất thiệt và ngăn ngừa các tin đồn tương tự trong tương lai, ông Tuấn cho rằng cần truy tìm và xử lý nghiêm kẻ đưa tin thất thiệt.

Tuy nhiên, theo ông Chi không phải lúc nào cũng dễ dàng xử lý hay dập tắt tin đồn. Ông cho biết ngay trong trường hợp tin đồn về Công ty Bia Huế, khi bắt quả tang người đang lan truyền tin đồn, cơ quan chức năng tiến hành xét hỏi, người này lại nói: “Tôi nghe người ta đồn rứa thì tôi nói lại rứa chứ có biết chi mô”. Trong những trường hợp này, cơ quan chức năng cũng chẳng thể làm gì được họ.

Các tin khác