Luật Đất đai (sửa đổi): Cần tư tưởng đột phá

Hôm nay 29-10, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự luật đã được chuẩn bị từ 4 năm nay, qua nhiều lần chỉnh sửa và đưa ra nhiều quy định mới với kỳ vọng khắc phục được những bất cập trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, ngay trước thềm kỳ họp thứ 4, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật này.

Hôm nay 29-10, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự luật đã được chuẩn bị từ 4 năm nay, qua nhiều lần chỉnh sửa và đưa ra nhiều quy định mới với kỳ vọng khắc phục được những bất cập trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, ngay trước thềm kỳ họp thứ 4, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật này.

Chưa đồng thuận

Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa phù hợp; chính sách tài chính đất đai bất cập, định giá đất chưa sát với thị trường... Vì thế, việc xem xét ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) đang trở thành yêu cầu bức thiết.

Một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai là do công tác lập quy hoạch bị chi phối bởi thị trường.

Một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai là do công tác lập quy hoạch bị
chi phối bởi thị trường.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương, 190 điều, so với luật hiện hành có 21 điều giữ nguyên, 101 điều sửa đổi, bổ sung và 68 điều bổ sung mới. Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự luật được chuẩn bị nghiêm túc, thực hiện đúng các trình tự, thủ tục.

Tuy nhiên, nhiều quy định quan trọng trong dự luật vẫn chưa đạt được sự thống nhất, chẳng hạn như cơ chế thu hồi đất. Theo dự thảo luật, Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch; sau đó giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thẩm tra sơ bộ dự luật, cơ quan này đề nghị đất đã nằm trong quy hoạch không cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án, vì sẽ làm cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phức tạp thêm do chênh lệch về giá bồi thường, dẫn đến việc so bì, khiếu kiện trong nhân dân.

Một vấn đề quan trọng khác được chờ đợi có sự đổi mới căn bản là giá đất. Nhiều ý kiến đề nghị quy định “giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, bởi việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như hiện nay rất khó do thị trường luôn biến động, mặt khác có những vùng, những loại đất chưa có thị trường.

Tại dự thảo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9-2012, nguyên tắc định giá đất cũng được sửa đổi “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường". Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Từ lúc định giá đến lúc đền bù rất khác nhau, nên phải có nguyên tắc cụ thể để định giá chứ không thể nói theo thị trường. Phải tính trọn gói cho dân, phải tính lại chứ không thể nói gọn một câu như luật cũ".

Cần xóa bỏ hạn điền

 Một trong những sửa đổi quan trọng của Luật Đất đai lần này là quy định thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân hạn thống nhất 50 năm, đồng thời quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân.

Theo nhiều chuyên gia, để phát huy hiệu quả của quỹ đất đai, cần có những đột phá hơn nữa trong chính sách, pháp luật về đất đai. Theo đó, cần thực hiện giao đất nông nghiệp không thời hạn cho hộ gia đình, cá nhân để người dân yên tâm đầu tư, sản xuất; việc quy định thời hạn không có nhiều ý nghĩa và sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính, chi phí cho việc gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn. Đồng thời, để tạo điều kiện cho tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn, cần xóa bỏ hạn điền.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, việc quy định thời hạn và hạn điền cho đất nông nghiệp làm hạn chế khả năng phát triển của lực lượng sản xuất nông nghiệp, không tạo được động lực mới để  tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp.

Thành công đầu tiên của sự nghiệp đổi mới là chính sách giao ruộng đất hợp tác xã cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài (1988-1993). Hiệu quả là năng suất và sản lượng lương thực tăng nhanh chóng, đưa người nông dân thoát đói nghèo và đưa nước ta lên nhóm đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Nhưng từ khi là nước xuất khẩu gạo hàng đầu tới nay, năng suất và sản lượng nông nghiệp không tăng nhiều, chất lượng nông sản ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân dễ thấy là người nông dân chưa thực sự an tâm đầu tư sâu vào sản xuất nông nghiệp vì thời hạn sử dụng đất quá ngắn. Mặt khác, chính sách hạn điền cũng làm cho quy mô sản xuất khó phát triển theo mô hình các trang trại sản xuất lớn, giá thành hạ của thế giới.

Các tin khác