Tiền bị từ chối

Sau gần 10 năm phát hành tiền xu (tiền kim loại) với bao kỳ vọng sẽ là phương tiện thanh toán hiện đại, tiện dụng và thiết thực, song đến thời điểm hiện nay dù chưa chính thức “khai tử” nhưng trên thị trường tiền xu đã bị chối bỏ một cách thẳng thừng.

Sau gần 10 năm phát hành tiền xu (tiền kim loại) với bao kỳ vọng sẽ là phương tiện thanh toán hiện đại, tiện dụng và thiết thực, song đến thời điểm hiện nay dù chưa chính thức “khai tử” nhưng trên thị trường tiền xu đã bị chối bỏ một cách thẳng thừng.

Có lẽ mục đích của Ngân hàng Nhà nước phát hành tiền xu với các mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng là để thuận tiện bán hàng qua hệ thống máy tự động. Nhưng với việc người dân ngày càng hạn chế sử dụng tiền xu khiến hệ thống máy bán hàng tự động gần như bị khai tử. Trước đó TPHCM đã lắp đặt nhiều máy bán nước tự động tại các công viên 23-9, Tao Đàn nhưng số người sử dụng rất ít.

Chị Bảo Trâm, thường tập thể dục tại công viên 23-9, cho biết ghé vào máy bán nước tự động để mua nhưng khi gặp sự cố như máy báo hết sản phẩm hay không thấy được trả lại tiền đành “bấm bụng” bỏ đi vì không biết khiếu nại với ai. Ngoài ra, sự hạn chế của các hệ thống máy bán hàng tự động do không được đầu tư và lắp đặt rộng rãi đã khiến tiền xu nhanh chóng bị “chết yểu”.

Thực tế các trạm điện thoại công cộng, máy bán nước ngọt tự động… nhanh chóng bị người dân lãng quên, một số máy ở trong tình trạng bị hư hỏng do thời tiết và không người bảo trì dẫn tới hoen gỉ. TPHCM đã chính thức “khai tử”, dỡ bỏ hệ thống bốt điện thoại công cộng do không có người sử dụng, gây mất mỹ quan đô thị.

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần có văn bản yêu cầu người bán hàng không được chối bỏ tiền xu, nhưng thực tế trên thị trường tiền xu hầu như đã bị người tiêu dùng từ bỏ, lãng quên. Nếu có ai sử dụng tiền xu để mua hàng đều chỉ nhận được cái lắc đầu của người bán, không ít người ngán ngẩm khi cầm trên tay những đồng tiền xu bị từ chối khiến nó trở nên không còn giá trị.

Hiện nay khi đi siêu thị nhiều người cứ nhận lại tiền thối bằng tiền xu thường bỏ vào thùng quyên góp. Chị Ngọc Châu, sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II, cho biết vì thường xuyên đi xe buýt đến trường nên thường mua vé tháng, nhưng dùng tiền xu để mua vé nhân viên bán vé từ chối ngay lập tức.

Không chỉ tiền xu, tiền giấy mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng cũng trở nên khó tiêu. Lý do lạm phát ngày càng tăng khiến đồng tiền trở nên mất giá đã thu hẹp giá trị sử dụng. Nếu trước đây khi đi chợ vẫn có thể mua được 500 đồng ớt, hành, tỏi… bây giờ phải mua từ 1.000 đồng trở lên.

Có thể nói, mặt bằng giá đã tăng chóng mặt khiến các đồng tiền mệnh giá nhỏ ngày càng bị hạn chế sử dụng hơn, đặc biệt tiền mệnh giá 200 đồng nhiều người tiêu dùng không biết sử dụng vào đâu.

Các tin khác