Đích đến còn xa

Được thành lập với quy mô 913ha, giai đoạn 1 (2006-2010) 300ha, giai đoạn 2 (2011-2015) 613ha, Khu công nghệ cao TPHCM (KCNC) tiến tới mục tiêu trở thành đô thị khoa học công nghệ, quy tụ các doanh nghiệp (DN) công nghệ cao (CNC) tạo nền tảng cho kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên sau 10 năm, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng.

Được thành lập với quy mô 913ha, giai đoạn 1 (2006-2010) 300ha, giai đoạn 2 (2011-2015) 613ha, Khu công nghệ cao TPHCM (KCNC) tiến tới mục tiêu trở thành đô thị khoa học công nghệ, quy tụ các doanh nghiệp (DN) công nghệ cao (CNC) tạo nền tảng cho kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên sau 10 năm, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng.

So với các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM, KCNC được xem là điểm sáng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đó là sự hiện diện dự án 1 tỷ USD của tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới Intel Corp. và một số tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Italia), Sonion (Đan Mạch)…

Những tập đoàn công nghệ tiêu biểu hàng đầu trong nước gồm FPT, Vinagame, TMA Solutions, CMC Telecom… đều có dự án hàng triệu USD trong KCNC. Sản phẩm và dịch vụ CNC hiện đang được các DN trong KCNC cung ứng mang lại giá trị kinh tế cao, như chipset, module cảm biến kỹ thuật số, máy in, thiết bị đọc mã vạch, thẻ thông minh, dược phẩm, thuốc chữa bệnh, máy ảnh kỹ thuật số, dịch vụ bảo hành, bảo trì máy móc, thiết bị trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn…

Theo ban quản lý KCNC, trong 10 năm (2002-2012), có 63 dự án được cấp phép tại KCNC với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Trong đó, vốn trong nước đạt 375 triệu USD, vốn FDI đạt 1,72 tỷ USD. Hiện có 27/59 dự án còn hiệu lực (với 17.537 lao động), 6 dự án chuẩn bị đưa vào hoạt động, 12 dự án đang làm thủ tục xây dựng và 14 dự án chưa triển khai.

Giá trị xuất khẩu lũy kế tại KCNC đạt 3,5 tỷ USD. Riêng 9 tháng năm 2012, KCNC đã cấp phép mới 5 dự án với tổng vốn đầu tư 66 triệu USD, giảm 3 dự  án và 56,2% vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2011.

Dù tạo sự chuyển biến bước đầu, nhưng hiện nay hoạt động sản xuất của các DN tại KCNC còn bị động về nguồn nguyên liệu đầu vào, chưa mang lại giá trị gia tăng cao. Thí dụ, lũy kế giá trị xuất khẩu thu về được 3,6 tỷ USD thì nhập nguyên vật liệu đã chiếm 3,2 tỷ USD. Hạn chế này xuất phát từ thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta còn yếu, linh kiện, nguyên liệu, vật tư đáp ứng cho sản phẩm CNC chưa sẵn sàng, nên các nhà sản xuất tại KCNC phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất chủ yếu gia công, lắp ráp. Một trong những mục tiêu, yêu cầu quan trọng đặt ra cho KCNC và DN là tập trung đầu tư, hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), khu ươm tạo CNC, đào tạo, chuyển giao công nghệ, sử dụng lao động bậc cao… song khâu thực hiện còn khá mờ nhạt. Cụ thể, trong số DN đang hoạt động chỉ có 18 DN triển khai hoạt động R&D, 8 DN dành chi phí cho R&D ở mức cao 10-51%, còn lại là ở mức dưới 5%.

Phần lớn DN trong KCNC là các tập đoàn, công ty lớn nhưng chủ yếu sử dụng nguồn nhân công giá rẻ với tỷ lệ 76% lao động phổ thông. Hiện chỉ có vỏn vẹn 4 DN dành kinh phí dùng cho việc tổ chức chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động. Cùng với đó, các dự án ươm tạo chưa cho thấy tiềm năng phát triển theo đúng tinh thần đề ra.

Để đạt được đích cuối cùng trong việc tạo ra công nghệ nội địa, năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ theo kịp các nước, chúng ta cần phải tập hợp nguồn lực, có chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, có năng lực nội địa để tiến tới những sáng tạo của mình.

Bên cạnh đó tích cực xúc tiến đầu tư, tìm nhà đầu tư có thực lực. Chỉ tiêu thu hút đầu tư được đặt ra nhưng không phải vì thế mà bỏ qua vấn đề chất lượng. Vấn đề quan tâm không phải là giá trị xuất khẩu mà là hoạt động nghiên cứu phát triển và sử dụng nguồn nhân lực có chất xám ở Việt Nam.

Chặng đường 10 năm hình thành và phát triển KCNC là chưa đủ để đánh giá hiệu quả. Vì thế, để nâng cao chất lượng hoạt động của DN, cần tổ chức xếp loại, đánh giá lại những tiêu chí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong KCNC.

Các tin khác