Cà phê “bệt” nhìn từ Australia

Từ nhiều năm nay, ở TPHCM có một hình thức uống cà phê rất đặc thù được nhiều bạn trẻ ưa thích. Đó là cách thưởng thức cà phê không cần đến bàn ghế, hay nói đúng hơn là ngồi bệt để uống. Người uống chỉ cần chọn một chỗ thoáng mát, trải tờ báo ngay lập tức sẽ có người tới hỏi uống gì.

Từ nhiều năm nay, ở TPHCM có một hình thức uống cà phê rất đặc thù được nhiều bạn trẻ ưa thích. Đó là cách thưởng thức cà phê không cần đến bàn ghế, hay nói đúng hơn là ngồi bệt để uống. Người uống chỉ cần chọn một chỗ thoáng mát, trải tờ báo ngay lập tức sẽ có người tới hỏi uống gì.

Điển hình như khu vực cà phê “bệt” ngay gần Nhà thờ Đức Bà hay hồ Con Rùa… Họ đến để thư giãn và tán chuyện cùng bạn bè và ít ai mang đồ ăn hay thức uống. Họ thường thích mua đồ ăn nóng sốt tại chỗ, hoặc mua thức uống trong những ly nhựa. Cũng từ thói quen đó, hàng rong bắt đầu mọc lên để phục vụ nhu cầu ăn uống của những vị khách tham gia cà phê “bệt”. Nhưng vấn đề nhức nhối nổi lên khi câu hỏi về an toàn vệ sinh thực phẩm được nêu lên, có bao nhiêu gánh hàng rong bán hàng đảm bảo vệ sinh?

 

Một điểm các gánh hàng rong đã làm tốt trong những năm gần đây là dùng các loại ly hoặc chén nhựa, góp phần giữ gìn vệ sinh chung. An toàn thực phẩm cũng được nâng lên khi những người chế biến bắt đầu sử dụng găng tay để chế biến đồ ăn. Vậy mối bận tâm nhất là ở đâu? Đó là các loại thức ăn hoặc đồ uống được lấy từ đâu, khi đã có quá nhiều cảnh báo về những món đồ ăn giả, bỏ phẩm màu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chưa kể, nhiều gánh hàng rong trông rất luộm thuộm và hoạt động không cố định, gây nên tình trạng mất mỹ quan cho không gian công cộng. Vô hình trung, cứ nói đến hàng rong nhiều người sẽ liên tưởng đến mất vệ sinh, mất trật tự, mỹ quan… Muốn cải thiện, phải có người quản lý những gánh hàng rong, bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm. Thêm vào đó là việc giữ gìn an toàn chung và giữ được nét đẹp của văn hóa hàng rong, an toàn và tiện lợi.

Ở Australia, tôi từng tham gia một buổi cắm trại vào cuối năm ngay gần cầu treo nổi tiếng Sydney Harbour Bridge để canh và ngắm pháo hoa đêm Tết Dương lịch. Có thể nói nó không khác gì mấy một buổi cà phê “bệt” ở Việt Nam vì trong công viên nơi người ta tập trung về ngắm pháo hoa có đầy người trải thảm và ngồi nói chuyện với nhau. Để phục vụ những người xem pháo hoa, một dãy sạp hàng quán lưu động được dựng lên ngay trong công viên. Họ bán đủ thứ từ cà phê đến bánh trái, kem…

Điều đáng nói là tất cả các gian hàng đều được quản lý về an toàn thực phẩm và họ chỉ bán trong một khu vực nhất định. Tất cả thực khách đều phải xếp hàng ngay ngắn để mua. Vệ sinh và an toàn được giám sát một cách kỹ lưỡng phòng trường hợp xấu có thể xảy ra.

Nhìn về Việt Nam, có lẽ những vấn đề nhức nhối của hàng rong phát sinh từ việc không tập trung lại được một chỗ; và làm sao tìm được giải pháp tối ưu và thuận tiện nhất cho cả người uống cà phê “bệt” và người bán hàng. Ai cũng thích được phục vụ tận tình, những người uống cà phê “bệt” cũng vậy. Họ thích được những người bán hàng rong đến và hỏi thích ăn gì, họ sẽ mang tới, và chỉ cần trả tiền. Họ không cần phải đi đâu cả.

Đó là lý do khiến hàng rong thành công, vì họ hiểu rằng muốn có khách hàng thì phải tìm tới khách hàng thay vì khách hàng tìm đến họ. Vậy tại sao những gian hàng, hàng quán lưu động lại không làm được những gì hàng rong đã làm được? Giả như các hàng quán cử ra những người phục vụ, đi tới từng nhóm trong công viên và hỏi họ muốn ăn gì, sau đó mang đồ ăn thức uống từ hàng quán đến tận nơi. Yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được nâng cao khi các gian hàng muốn mở thì phải đạt được những điều kiện thiết yếu. Sức khỏe người tiêu dùng sẽ được chú trọng và nâng cao hơn.

Đa số khách nước ngoài qua Việt Nam thường không dám thử ăn uống ở hàng rong, vì họ e ngại vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình gian hàng, hàng quán lưu động được quản lý bởi cơ quan chức năng sẽ tạo cho các du khách cảm giác an toàn, điển hình như khu chợ đêm ở Chợ Lớn. Việc quản lý các gian hàng này sẽ trở nên dễ dàng hơn và vẫn giữ được một nét văn hóa mới mẻ là cà phê “bệt”.

Các tin khác