Dự án Núi Pháo: Những con số "biết nói"

Hai năm sau quá trình tái cấu trúc ngặt nghèo trở thành dự án 100% vốn trong nước, dự án khai thác và chế biến quặng đa kim Núi Pháo (Núi Pháo Mining) đã bắt đầu ghi điểm.

Hai năm sau quá trình tái cấu trúc ngặt nghèo trở thành dự án 100% vốn trong nước, dự án khai thác và chế biến quặng đa kim Núi Pháo (Núi Pháo Mining) đã bắt đầu ghi điểm.

99,6%

Đó là tỷ lệ hoàn thành giải phóng mặt bằng trong 5 khu vực hoạt động của dự án tới thời điểm 15-8-2012, sau 2 năm các nhà đầu tư trong nước tuyên bố tái khởi động dự án Núi Pháo. Một con số mơ ước đối với hầu hết dự án đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt hơn, Núi Pháo là dự án khai khoáng quặng đa kim có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn. Riêng công tác giải phóng mặt bằng liên quan 2.732 hộ dân thuộc 4 xã Hà Thượng, Hùng Sơn, Tân Linh, Cát Nê (cùng thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), trong đó có 727 hộ phải di dời đến nơi ở mới.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Núi Pháo Mining giải thích ngắn gọn: "Con số 99,6% phản ánh sự đồng thuận của người dân. Chúng tôi tôn trọng kết quả, vì hơn mọi lời nói, những con số là minh chứng thuyết phục nhất và không thể tranh cãi".

Còn theo ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc Núi Pháo Mining, người đã có gần 9 năm trải nghiệm tại dự án, con số 99,6% là kết quả của một cách làm khoa học, minh bạch và công bằng và lợi ích người dân, cộng đồng được tôn trọng.

Ông Hồng tiếp tục dùng các con số để giải thích cho vấn đề này: Hai khu tái định cư Nam Sông Công, Hùng Sơn 3 và khu vực làm chương trình phục hồi kinh tế Hùng Sơn 2 đã được người dân đón nhận với hệ thống hạ tầng hiện đại, tiên tiến, là hình mẫu tái định cư theo đánh giá của các lãnh đạo khi đến kiểm tra. Khu Hùng Sơn 2 được Công ty Núi Pháo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tại đây đã xây dựng Nhà máy Chế biến nấm xuất khẩu do doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vốn, giống, công nghệ và thu mua toàn bộ sản phẩm, đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án và cộng đồng dân cư huyện Đại Từ.

Công tác bảo vệ môi trường mang đẳng cấp quốc tế, được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, ghi nhận là mô hình chuẩn cho các dự án khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Nhà thờ nguyện cho các hộ dân Công giáo thuộc họ giáo Phục Linh đã được giao sổ đỏ và được xây dựng to đẹp hơn, do cộng đồng Công giáo thiết kế, quản lý, giám sát và xây dựng bằng nguồn kinh phí của dự án.

Đi vào sản xuất, dự án sử dụng khoảng 1.500 lao động và cam kết ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương. Đến nay Núi Pháo Mining đã chi trả bồi thường, hỗ trợ và đầu tư tái định cư cho người dân trên 1.200 tỷ đồng. Ngoài những khoản bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, dự án Núi Pháo còn có chính sách hỗ trợ thêm, đặc biệt cho các nhóm hộ dễ bị tổn thương như nhóm hộ do phụ nữ là chủ hộ, nhóm hộ nghèo...

Bên cạnh đó, tính đến nay công ty đã tuyển dụng hơn 200 lao động kỹ thuật và 366 lao động phổ thông người địa phương. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2013, khi dự án đi vào khai thác. Ngoài ra, hơn 200 lao động đã được đào tạo miễn phí nghề cơ khí, may mặc, lái xe và nông nghiệp công nghệ cao. Núi Pháo cũng là một trong những nhà đầu tư hiếm hoi thành lập các tổ tư vấn cho các gia đình bị ảnh hưởng về cách tránh rủi ro trong sử dụng tiền bồi thường...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Núi Pháo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Núi Pháo.

1.350 triệu USD

Là kế hoạch giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm khai thác đầu tiên 2013-2017, bao gồm các sản phẩm tinh quặng volfram, fluorit, bismut và tinh quặng đồng của Núi Pháo Mining. Theo kế hoạch này, công tác bóc đất phủ sẽ được bắt đầu từ quý III-2012, quý IV-2012 bắt đầu khai thác, chạy thử nhà máy tuyển vào ngày 30-1-2013. Giai đoạn 2013-2017, công suất khai thác của Núi Pháo Mining sẽ đạt trung bình 3,5 triệu tấn quặng nguyên khai/năm, song song với tiến trình tìm kiếm công nghệ, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu volfram, dự kiến có sản  phẩm volfram 98% vào năm 2017.

Các con số rew6n đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Thái Nguyên thẩm định, chấp nhận và cùng đệ trình Thủ tướng phê duyệt. Hiện nay, Núi Pháo Mining đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường 11,7 tỷ đồng, kế hoạch năm 2013 nộp ngân sách 1.200 tỷ đồng và từ năm 2014 đến 2017 nộp ngân sách trên 2.000 tỷ đồng/năm.

Những con số này cho thấy các cam kết của nhà đầu tư khi thực hiện tái cơ cấu dự án đã được tôn trọng, đặc biệt là tiến độ triển khai dự án. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Núi Pháo Mining nhìn nhận: “Thay cho lời tri ân, đây là quả ngọt đầu tiên cho các nỗ lực gian nan huy động mọi nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực để mua lại dự án của nhà đầu tư nước ngoài, với mong muốn giữ lại nguồn tài nguyên cho đất nước”.

Các tin khác