Nhật Bản-Thập niên mất mát (kỳ 1): Đi tìm nguyên nhân

“Thập niên mất mát” (lost decade) là thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản suốt những năm 90 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn này tình hình của Nhật Bản có những nét rất giống với nước ta hiện nay: Thị trường bất động sản sau thời gian dài bùng nổ rơi vào trạng thái ảm đạm, giá nhà lao dốc; lãi suất liên tục giảm nhưng kinh tế vẫn đình trệ do ngân hàng ngại cho vay vì lo nợ xấu...

“Thập niên mất mát” (lost decade) là thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản suốt những năm 90 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn này tình hình của Nhật Bản có những nét rất giống với nước ta hiện nay: Thị trường bất động sản sau thời gian dài bùng nổ rơi vào trạng thái ảm đạm, giá nhà lao dốc; lãi suất liên tục giảm nhưng kinh tế vẫn đình trệ do ngân hàng ngại cho vay vì lo nợ xấu...

Giới phân tích tin rằng nguyên nhân trực tiếp đẩy Nhật Bản vào thập niên mất mát là sự hình thành và đổ vỡ bong bóng bất động sản, kéo theo diễn biến tương tự trên các thị trường chứng khoán, tín dụng... Nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn là những sai lầm về chính sách.

Bong bóng tài sản

Bong bóng tài sản Nhật Bản hình thành sau thời gian dài nở rộ kinh tế hậu chiến tranh và bắt đầu tăng tốc vào nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, một phần vì những chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Với việc tiếp cận tín dụng dễ dàng, các doanh nghiệp nhanh chóng biến nền kinh tế đất nước chuyển sang đặt nền tảng trên công nghệ, đặc biệt trong ngành điện tử tiêu dùng, viễn thông và tài chính. Nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ mới và tiên tiến hơn, cộng với mức sống gia tăng, đã nuôi dưỡng “cơn điên đầu tư tài sản” được biết đến với tên “cơn sốt Heisei”, theo tên của vị Nhật Hoàng lên ngôi năm 1989.

Giá trị của đồng yen tăng mạnh trong thời kỳ này nhờ Tokyo vươn lên thành một trung tâm tài chính quốc tế, cộng với tác động từ Thỏa thuận Plaza 1985 - một thỏa thuận điều chỉnh tỷ giá USD giảm so với yen. Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng đột biến trong thời gian này, với chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 300% từ năm 1985 đến 1989.

TTCK Nhật Bản lao dốc từ 38.975 điểm xuống 7.603 điểm trong thập niên mất mát.

TTCK Nhật Bản lao dốc từ 38.975 điểm xuống 7.603 điểm trong thập niên mất mát.

Thị trường bất động sản Nhật Bản lên cơn sốt khi giá nhà ở bình quân tăng 51%/năm, trong khi giá bất động sản thương mại tăng 80%/năm trong giai đoạn1985-1991. Điều này khiến niềm tin của giới đầu tư lên cao quá mức khi họ sẵn sàng đổ tiền mà không cần cân nhắc, dẫn đến nhiều quyết định đầu tư xấu.

Các ngân hàng cũng sôi động không kém, đã vay gần 200.000 tỷ yen (3.400 tỷ USD) từ các thị trường nước ngoài trong giai đoạn này. Tính đến năm 1991, các ngân hàng Nhật Bản chỉ dự trữ 3.000 tỷ yen để dự phòng cho 450.000 tỷ yen đã cho vay.

Điều nguy hiểm là việc quản lý rủi ro hầu như chả mấy ai bận tâm, khi chỉ cần vung tiền hôm nay là ngày mai kiếm được một khoản lời to. Giới đầu tư bỏ ngoài tai mọi cảnh báo.

Cơn sốt trên thị trường bất động sản đã khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Nhật Bản hình thành bong bóng. Chỉ số Nikkei 225 từ 13.000 điểm năm 1986 tăng tới mức 38.975 điểm năm 1989.

Và khi thị trường bất động sản vỡ bong bóng, chỉ số này nhanh chóng lao dốc, từ 38.975 điểm năm 1989 xuống còn 15.025 điểm vào tháng 7-1992 và tiếp tục rơi tự do trong thập niên mất mát. Tính đến tháng 4-2003, chỉ số Nikkei 225 chỉ còn 7.603 điểm, hiện nay dao động quanh mức 9.000 điểm.

Lỗi chính sách

Mặc dù các ngân hàng/định chế tài chính đóng một vai trò chủ yếu trong việc hình thành và vỡ bong bóng ở Nhật Bản, chính sách tiền tệ cũng là một nguyên nhân gốc rễ. BoJ tạo tiền đề cho cơn sốt tài sản khi nới lỏng tín dụng và đưa lãi suất dần đến những mức thấp giả tạo.

Điều này khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp chấp nhận mang nợ mà bình thường họ không dám mang, hay quyết định đầu tư những thứ lẽ ra không nên đầu tư. Khi một ngân hàng trung ương tăng cung tiền và hướng lãi suất xuống dưới mức lẽ ra ở một thị trường tự do, nó gửi đi dấu hiệu sai lầm khiến các doanh nghiệp vay mượn và đầu tư nhiều hơn vào các dự án tư bản và các loại hàng hóa bình thường họ không nghĩ đến.

Tương tự, người tiêu dùng sẵn sàng đi vay nhiều hơn để mua nhà thế chấp, chi tiêu mạnh tay hơn qua các loại thẻ tín dụng, tiết kiệm ít, chi tiêu nhiều.

Nhưng bữa tiệc tín dụng không thể kéo dài mãi và khi lãi suất tăng trở lại, các khoản đầu tư xấu lộ diện - một sự thật đau đớn được làm rõ: hầu hết các khoản tín dụng thoải mái vay mượn trước đây không dễ trả.

Từ tháng 1-1986 đến tháng 2-1987, BoJ hạ lãi suất chiết khấu từ 5% xuống 2,5%, dẫn đến sự bùng nổ giá bất động sản và chứng khoán. Nhận thấy bong bóng đang hình thành, BoJ sau đó tăng lãi suất 5 lần chỉ trong 2 năm 1989 và 1990, lên mức 6%. Sự gia tăng này khiến các khoản đầu tư tồi, nợ xấu lộ diện, chứng khoán bắt đầu chuỗi trượt giá kéo dài và đau đớn.

Khi suy thoái bắt đầu manh nha vào năm 1990 sau khi TTCK sụp đổ, Nhật Bản đáp lại bằng cách đảo ngược chính sách tiền tệ thắt chặt thành nới lỏng, hạ lãi suất xuống 4,5% năm 1991; 3,25% năm 1992; 1,75% năm 1993 và 1994; 0,5% từ năm 1995-2000 và thấp kỷ lục 0,1% từ tháng 9-2001.

Các nhà hoạch định chính sách thời hậu bong bóng đều tin rằng hạ lãi suất sẽ giúp tín dụng dễ tiếp cận, từ đó tái tạo môi trường từng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng có một điều phi lý là các nhà chức trách đã chữa một cuộc vỡ bong bóng gây ra bởi chính sách tín dụng dễ dãi bằng tín dụng dễ dãi hơn.

Những động thái cắt giảm này chỉ bóp méo các quyết định kinh tế và ngăn cản tiền gửi tiết kiệm, đầu tư và tiêu thụ vào các kênh lẽ ra họ nên đầu tư/hàng hóa họ vẫn mua…

Bài học được rút ra: Khi chính sách tiền tệ được dùng để xoa dịu hay điều chỉnh thị trường, hậu quả khó tránh khỏi là trong một số trường hợp có thể gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế dài hạn.

------------

Kỳ 2: Cần chống đúng chỗ

Các tin khác