Nữ doanh nhân buôn trứng

Bà Phạm Thị Huân (ảnh), người phụ nữ đã gắn cả cuộc đời mình với con gà, quả trứng, chia sẻ Công ty TNHH Ba Huân nơi bà làm giám đốc có được thành công như ngày hôm nay là nhờ 3 yếu tố: Đột phá, bền vững và luôn hướng đến cộng đồng.

Bà Phạm Thị Huân (ảnh), người phụ nữ đã gắn cả cuộc đời mình với con gà, quả trứng, chia sẻ Công ty TNHH Ba Huân nơi bà làm giám đốc có được thành công như ngày hôm nay là nhờ 3 yếu tố: Đột phá, bền vững và luôn hướng đến cộng đồng.

Đột phá công nghệ

Chuyện đời bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) có lẽ đã được kể đi kể lại cả chục lần, ấy thế mà khi nhắc đến bà người ta vẫn muốn nghe lại. Bà đã gắn cả cuộc đời và sự nghiệp của mình với cái nghề… buôn trứng.

Từ thuở 12, 13 tuổi bà đã theo cha mẹ tập tành nghề này. Đến khi 16 tuổi bà được mẹ tin tưởng giao cho chạy chợ. Không ít chủ trại chăn nuôi dọc miền sông nước Tây Nam bộ khi ấy biết đến một cô gái nhỏ nhắn, không ngại đến từng hộ thuyết phục, năn nỉ họ cho mua hàng gối đầu. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp ấy bà đã nhận ra rằng phải mua tận gốc bán tận ngọn mới mong có lời.

Bán được trứng, bà nhanh chóng đem trả cho các hộ chăn nuôi và lại xin gối đầu lô hàng tiếp theo. Với tính cách chất phác, thật thà, làm ăn có trước có sau bà Ba Huân đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và lòng tin của nhiều chủ trại chăn nuôi. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, bà đã mở rộng thêm nhiều đầu mối cung cấp trứng cho mình.

Chắt chiu, dành dụm được chừng 200 triệu đồng, năm 1982 bà quyết định mở vựa trứng lấy tên Ba Huân tại TPHCM. Vựa trứng của bà làm công việc chính là thu mua trứng của các hộ chăn nuôi tại miền Tây giao cho các chợ đầu mối trong thành phố. Công việc thuận lợi, bà bắt đầu có những ý tưởng kinh doanh lớn hơn: thành lập doanh nghiệp.

Năm 2001, ý tưởng này biến thành hiện thực khi doanh nghiệp Ba Huân - sau này là Công ty TNHH Ba Huân - ra đời. Công việc thuận lợi tưởng như là sự đền đáp xứng đáng mà ông trời dành cho người phụ nữ chịu thương, chịu khó này. Thế nhưng kinh doanh luôn đặt người ta trước những thử thách không báo trước. “Năm 2003, dịch cúm gia cầm tràn về, gà vịt lớp bệnh, lớp phải đem đi tiêu hủy. Bao nhiêu xe trứng của tôi phải đem đi đổ hết, thiệt hại lên tới 6 tỷ đồng” - bà Ba Huân nhớ lại.

Chứng kiến cảnh người chăn nuôi gia súc mất hết tài sản, việc làm, người tiêu dùng quay lưng với quả trứng, một loại thực phẩm rẻ nhưng nhiều chất dinh dưỡng, bà rất đau lòng. Bà nghĩ phải tiếp tục buôn trứng, phải tìm cách giúp bà con nông dân.

Được một người em giới thiệu, bà Ba Huân lặn lội qua tận Hà Lan, tìm mua dây chuyền sản xuất trứng sạch của Tập đoàn Moba. Chẳng rành máy móc, công nghệ bà nói tập đoàn này bán cho “cái máy làm trứng sạch thiệt”. Nhưng “cái máy sạch thiệt” ấy muốn mua về bà phải có trong tay 30 tỷ đồng. Trở về, bà quyết định bán bớt nhà xưởng, huy động vốn trong gia đình, vay vốn ngân hàng…

Năm 2005, dây chuyền công suất 65.000 trứng/giờ chính thức có mặt trong Công ty Ba Huân. Với dây chuyền công nghệ mới, trứng được rửa, sấy khô rồi diệt khuẩn, tăng thời gian bảo quản. Trứng sau khi làm sạch được chuyển sang công đoạn soi để loại các trứng hư, nứt và phủ lên một lớp dầu nhằm ngăn vi khuẩn. Lúc này, trứng được chuyển đến phân loại trước khi in thương hiệu lên từng quả và đóng hộp. Trên mỗi quả trứng đều có số hiệu để có thể truy nguyên nguồn gốc.

Tất cả công đoạn trên đều tự động, công nhân chỉ có nhiệm vụ vận hành máy, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng, đóng thùng và vận chuyển tới điểm phân phối.

Công việc thuận lợi, năm 2009 bà tiếp tục đầu tư 70 tỷ đồng nhập thêm dây chuyền mới công suất 120.000 trứng/giờ. Đột phá đầu tư công nghệ tiên tiến với số tiền không nhỏ, bà dự tính sẽ hoàn vốn trong… hơn 20 năm.

Nhưng điều đạt được là trứng sạch Ba Huân đã có mặt ở hầu hết chợ truyền thống, các điểm bán lẻ, các siêu thị lớn như Saigon Co.op, Metro, Satra, Vinatex, BigC, Maximart, Citimart, Lotte. Ngoài ra, công ty còn cung cấp trứng cho các nhà máy sản xuất mì hoặc làm bánh như Vissan, Kinh Đô, Bibica, Như Lan, Vinabico, Đồng Khánh… Không dừng lại ở đó, bà còn cho xuất khẩu trứng bắc thảo sang Malaysia, Hồng Công, Singapore.

Bền vững là tất yếu

- Để có nguyên liệu cho các dây chuyền hiện đại hoạt động, chắc chắn bà sẽ vất vả trong khâu thu mua nguyên liệu? - tôi hỏi.

- Đúng vậy. Ngay từ đầu tôi đã xác định đầu vào nguyên liệu có đảm bảo, công ty mới phát triển bền vững. Hiện nay, nguyên liệu của Ba Huân đến từ 3 nguồn: mua của nông dân, liên kết với các hộ nuôi gia cầm và đầu tư xây chuồng trại nuôi gà lấy trứng. Trong đó hình thức liên kết với nông dân là chủ yếu (chiếm trên 75% nguồn trứng nguyên liệu cho công ty).

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, công ty đã trực tiếp hỗ trợ nông dân về vốn và kỹ thuật. Thuận lợi là chúng tôi có đội ngũ kỹ thuật rất lành nghề từng làm cho Thái Lan cả chục năm trước khi về công ty. Chúng tôi còn trực tiếp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng cho nông dân. Chủ trương của công ty là đầu tư khép kín nhằm tận dụng tối đa mọi lợi thế có sẵn, hạn chế đến mức tối thiểu rủi ro có thể xảy đến đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dây chuyền sản xuất trứng sạch của Công ty TNHH Ba Huân. 

Dây chuyền sản xuất trứng sạch của Công ty TNHH  Ba Huân. 

Về việc đầu tư xây chuồng trại nuôi con giống lấy trứng, bà Ba Huân chia sẻ ngoài trang trại ở Kiên Giang đang hoạt động rất tốt, trong năm 2012 công ty sẽ cho xây dựng thêm một trang trại nữa tại tỉnh Bình Dương với số vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

- Rót một số vốn không nhỏ vào đầu tư trong thời điểm này liệu có quá mạo hiểm? - tôi băn khoăn.

- Thực ra dự án này đã được công ty triển khai từ một, hai năm trước, nay chúng tôi buộc phải tiếp tục chứ không thể dừng lại được. Tình hình khó khăn có làm cho tiến độ bị chậm lại đôi chút so với dự kiến ban đầu. Tất nhiên, khi xây dựng trang trại ngoài việc giúp công ty chủ động nguồn nguyên liệu, bài toán lợi nhuận là điều tôi phải tính đến. Bình thường mình thu mua trứng của bà con chừng 1.500 đồng thì bán ra 1.550 đồng/trứng. Nhưng nếu lo luôn khâu chăn nuôi sẽ thu lời nhiều hơn.

Thú thật năm 2010 khi việc kinh doanh hết sức thuận lợi tôi đã nghĩ năm 2011 Ba Huân sẽ có sự phát triển vượt bậc và 2012 sẽ là năm khởi sắc. Nhưng tình hình khó khăn chung đã khiến mọi dự tính của tôi bị đảo lộn. Tôi phải tính toán lại từng bước đi cho doanh nghiệp.

Năm 2011, doanh thu của Ba Huân đạt trên 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ trên 5,5 tỷ đồng. Năm 2012, theo kế hoạch doanh thu là 480 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 6,2 tỷ đồng. Trong thời điểm hiện nay duy trì tăng trưởng 10% đã là quý rồi.

Trò chuyện với chúng tôi, từ giọng nói, thái độ bà Ba Huân luôn tỏ rõ sự bình thản, tự tin, nhưng chúng tôi biết rằng bà đang phải tìm mọi cách để vượt qua những thách thức hiện tại. Mặt bằng giá cả như xăng dầu, lương, chi phí nhân công… đều tăng nhưng sản phẩm của bà lại giảm giá.

Nghe có vẻ nghịch lý. Bà cho biết lúc trước nếu có khách đặt chừng 10.000 trứng là có thể cho dây chuyền hoạt động, nhưng nay phải chừng 15.000 trứng mới cho chạy máy để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra công ty mở rộng mạng lưới phân phối.

Theo đó, nhà máy có 200 người, chỉ giữ lại 150 người, 50 người được phân công ra các kênh truyền thống, các vùng sâu vùng xa để phát triển doanh số. Vì thế, hiện nay hàng ngày công ty bán được khoảng 1,2 triệu trứng sạch so với con số 1 triệu trứng trước đây.

Bên cạnh đó, bà đang tìm đường ra khu vực phía Bắc. Hiện Ba Huân đang liên kết với một nhà phân phối phía Bắc để đưa trứng chế biến và trứng muối ra. Nếu công việc thuận lợi không lâu nữa người dân khu vực phía Bắc sẽ có trứng tươi Ba Huân vì công ty sẽ chuyển giao công nghệ đểâ sản xuất ngoài đó. Hiện nay, trứng Ba Huân đã bắt đầu có mặt trong hệ thống các cửa hàng tiện ích ở nhiều thành phố lớn trên cả nước.

Hướng tới cộng đồng

Nữ doanh nhân buôn trứng ảnh 3Hơn 40 năm gắn bó với cái nghiệp buôn trứng lúc nào tôi cũng đau đáu làm sao để người tiêu dùng có được sản phẩm sạch và người nông dân có công việc ổn định. Tôi đã từ chối khá nhiều lời mời hấp dẫn hợp tác với lợi nhuận cao. Ở cái tuổi gần 60, tôi cố gắng làm thêm 5, 6 năm nữa sau đó lui về một bên nhường chỗ cho các em tiếp tục điều hành công việc, với những tiêu chí tôi đã đặt ra và theo đuổi bao năm qua: Đột phá, bền vững và luôn hướng đến cộng đồng.
Nữ doanh nhân buôn trứng ảnh 4

PHẠM THỊ HUÂN,
Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân

Bà Ba Huân tâm sự chính sự tin tưởng, yêu mến của cộng đồng đã giúp Công ty Ba Huân vượt qua những giai đoạn tưởng như khó khăn nhất. Vì thế, trong kinh doanh dù bài toán lợi nhuận luôn được đặt lên trước, nhưng bà Ba Huân không bao giờ quên chia sẻ với cộng đồng.

Chẳng thế mà bà đã tham gia chương trình bình ổn giá từ khi UBND TPHCM phát động đến nay. “Không ít người cho rằng tham gia chương trình bình ổn, Ba Huân được thành phố hỗ trợ vay vốn với lãi suất bằng 0% thì còn gì bằng. Nhưng thực tế, số vốn mà thành phố cho vay rất khiêm tốn, đó chỉ là sự động viên các doanh nghiệp mà thôi.

Dù thành phố có cho vay 10 tỷ, 20 tỷ đồng với lãi suất bằng 0% cũng không thấm vào đâu trong khi mình bình ổn quanh năm. Tất nhiên, khi tham gia chương trình mình cũng có cái lợi là được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, sản xuất có căn cơ hơn” - bà nói. Cũng vì tham gia chương trình bình ổn và nghĩ đến lợi ích người nông dân mà bà đã từ chối hợp tác với không ít doanh nghiệp nước ngoài.

Bà bộc bạch: “Làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài, họ đòi hỏi lợi nhuận rất cao. Nếu mình muốn theo họ, phải bỏ bà con, cộng đồng mới đáp ứng được. Nên dù mong muốn có thêm vốn mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng tôi vẫn chần chừ trong việc gọi vốn hay cổ phần hóa. Hiện công việc kinh doanh, vốn liếng hùn hạp đều từ anh chị em trong gia đình”.

Không học hành bài bản, nhưng chính sự chịu thương chịu khó, tận tâm với nghề và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm qua đã giúp bà Ba Huân tạo nên thành công như ngày hôm nay. Cùng với đó là sự giúp đỡ của các em, các cộng sự được học hành, đào tạo bài bản.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc công ty đồng thời là em trai bà, từng nhiều lần tâm sự: “Cha mẹ sinh ra và nuôi tôi lớn, thầy cô dạy chữ nghĩa cho tôi. Tuy nhiên người ảnh hưởng nhiều nhất với tôi là chị Ba Huân”.

Hình ảnh người chị tảo tần nuôi các em ăn học như một hành trang quý giá cho ông. Để hôm nay dù có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp với tấm bằng loại ưu Đại học Kinh tế nhưng ông vẫn về nối nghiệp buôn trứng với chị. Cái nghề được ví như nuôi con mọn, làm quanh năm suốt tháng, 1 năm chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết để lên chùa, còn từ mùng 2 lại bắt đầu lao vào vòng xoay công việc… buôn trứng.

Các tin khác