Người khai sinh Saigon Co.op

Nói đến Saigon Co.op, người ta không thể không nhắc đến câu chuyện của người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Nghĩa (ảnh), nguyên Chủ tịch HĐQT. Bà chính là người khai sinh và lèo lái con thuyền Saigon Co.op hơn 10 năm, trước khi nhường lại cho thế hệ thứ 2.

Nói đến Saigon Co.op, người ta không thể không nhắc đến câu chuyện của người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Nghĩa (ảnh), nguyên Chủ tịch HĐQT. Bà chính là người khai sinh và lèo lái con thuyền Saigon Co.op hơn 10 năm, trước khi nhường lại cho thế hệ thứ 2.

Từ hợp tác xã đến siêu thị hàng Việt

Những ngày tháng 2-1996, tại một góc đường Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM bỗng trở nên đông đúc nhộn nhịp bởi sự có mặt của siêu thị có tên Co.op Mart.

Sự mới mẻ của siêu thị này đã thu hút nhiều người đến xem vì tò mò, đến mua hàng và cả những kẻ… trộm cắp. Chẳng thế mà một đồng chí lãnh đạo của thành phố sau lần ghé thăm siêu thị đã lập tức gọi điện cho bà Nghĩa:

- Cô Nghĩa ơi, cô phải quay lại đi thôi.

- Thưa anh, quay lại cái gì? - bà Nghĩa chưa hiểu chuyện.

- Tôi vừa ở siêu thị Cống Quỳnh về. Cô phải cho quay lại quầy bán hàng, không thể để thế này. Tôi vào thấy trộm lấy, cô làm thế này lỗ chết.

Lời nhắc nhở của đồng chí lãnh đạo thành phố khiến bà Nghĩa giật mình. Ngay lập tức bà yêu cầu nhân viên kiểm kê lại hàng hóa và tất cả tá hỏa vì hàng mất khá nhiều do lực lượng bảo vệ còn ít, các thiết bị an ninh hầu như chưa có. Đó là kỷ niệm mà bà Nguyễn Thị Nghĩa nhớ cho tới tận bây giờ khi kể lại câu chuyện thành lập siêu thị.

Thời điểm những năm đầu thập niên 90, sau khi hàng loạt hợp tác xã (HTX) bị phá sản, bà Nghĩa khi ấy là Trưởng ban Quản lý các HTX mua bán thành phố, đã quyết định không giải thể mà liên kết các HTX lại với nhau để thành lập Liên hiệp HTX mua bán TPHCM.

Thực ra, trong lòng bà lúc ấy cũng có nhiều hoang mang vì các HTX, các tổ chức thành viên nợ nần chồng chất. Lại thêm mô hình HTX tại các nước Đông Âu, nơi vẫn được xem là mẫu mực để học hỏi cũng tan rã. Tuy nhiên, khi Liên minh HTX quốc tế đến Việt Nam với những thành công của mô hình HTX tại các nước như Nhật Bản, Tây Âu và Hoa Kỳ, bà Nghĩa và các cộng sự đã quyết định thực hiện theo mô hình các nước phát triển.

“Bắt đầu kinh doanh chúng tôi nhắm vào xuất nhập khẩu để tạo đà, nhưng trong thâm tâm luôn mong muốn hình thành một hệ thống bán lẻ. Trong một lần tới Hungary, được tham quan chuỗi siêu thị mang tên Scala Co.op có mặt ở khắp nước, là mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại, tôi đã thực sự bị mê hoặc. Mong muốn có một mô hình tương tự như thế tại Việt Nam càng mãnh liệt hơn trong tôi. Trở về, tôi tổ chức cho nhân viên sang một số nước trong khu vực học hỏi mô hình này” - bà Nghĩa chia sẻ. 

Vào thời điểm năm 2006, khi Co.op Mart sinh nhật lần thứ 10 cũng là lúc chúng tôi có nguồn lực tài chính dồi dào hơn. Tôi đã đề ra hướng phát triển rộng khắp, phủ nhanh để cạnh tranh với các đối thủ, đặc biệt là sự đổ bộ của các siêu thị ngoại. Theo chỉ tiêu mỗi năm chúng tôi sẽ phát triển thêm 10 siêu thị và đến năm 2015 Saigon Co.op sẽ có trong tay hệ thống 100 siêu thị trên cả nước. Chúng tôi tin tưởng mình đang đi đúng theo con đường đã vạch ra.

NGUYỄN THỊ NGHĨA,
nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op

Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế của Liên hiệp HTX thời gian này chưa đủ mạnh, cùng nhiều yếu tố khách quan chưa thuận lợi, hệ thống siêu thị vẫn chưa thể ra đời.

Phải đến cuối năm 1995, khi công việc xuất nhập khẩu của Liên hiệp HTX TPHCM không gặp khó khăn, bà Nghĩa mới quyết định hiện thực hóa mong ước của mình bằng việc cho ra đời siêu thị đầu tiên Co.op Mart Cống Quỳnh vào tháng 2-1996.

- Nhưng Co.op Mart Cống Quỳnh ra đời lúc ấy TPHCM đã có Maximark, Citimart. Bà đã phải làm gì để thu hút người tiêu dùng? - tôi hỏi.

- Chúng tôi buộc phải tạo sự khác biệt. Các siêu thị ra đời trước do hình thức bán lẻ còn quá mới nên họ thường hướng tới đối tượng khách có thu nhập cao. Vì thế, trong cơ cấu hàng hóa của họ chủ yếu là hàng ngoại nhập. Khi Saigon Co.op ra đời, xuất phát từ mục đích phục vụ rộng rãi người dân theo đúng bản chất HTX, nên chúng tôi cơ cấu chủ yếu hàng hóa sản xuất trong nước.

Đúng thời điểm này chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao do báo Sài Gòn Tiếp thị khởi xướng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Tận dụng cơ hội này, chúng tôi đã mời những doanh nghiệp này tham gia đưa hàng vào bán tại Co.op Mart Cống Quỳnh. Đó chính là điểm khác biệt mà chúng tôi tạo ra để cạnh tranh với các siêu thị đã ra đời trước.

Mô hình còn mới, không chỉ bà Nghĩa mà tất cả nhân viên ngày nào cũng phải xuống siêu thị để vừa làm, vừa học. Những bài học như việc mất trộm hàng cũng là một kinh nghiệm. Rồi việc bày biện hàng hóa, quản lý như thế nào… là những thách thức ban đầu cho bà và các cộng sự. Thế nhưng thành công đến quá nhanh khiến tất cả như vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc vì con đường họ đi là đúng đắn.

Càng đi càng nhanh

“Khi siêu thị mới đi vào hoạt động, doanh thu một ngày 50 triệu đồng đã là thành công rồi. Tuy nhiên, thực tế diễn ra ngoài mong đợi khi doanh thu có ngày cao gấp hai, gấp ba lần” - bà Nghĩa nhớ lại.

Thành công của siêu thị đầu tiên đã giúp bà mạnh dạn mở thêm cái thứ 2, thứ 3. Tuy nhiên, quản lý, tiếp thị cho một siêu thị đã khó, nay hình thành chuỗi siêu thị, thách thức muôn bề chờ đón bà Nghĩa và cộng sự phía trước.

Siêu thị Co.op Mart giờ đã có đối thủ cạnh tranh: BigC.

Siêu thị Co.op Mart giờ đã có đối thủ cạnh tranh: BigC.

Trong bối cảnh khó khăn đó, ngoài sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên Saigon Co.op, sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên đoàn HTX Thụy Điển đã khiến bà Nghĩa không bao giờ quên. Nhờ sự giúp đỡ này, Saigon Co.op xây dựng được một mô hình bài bản, với quy trình quản lý, kinh doanh hiện đại, từ trang trí đến tiếp thị hàng hóa.

Bà Nghĩa đã học và áp dụng mô hình trên rất nhanh và hiệu quả, khiến vị giám đốc của Liên đoàn HTX Thụy Điển phải giật mình. Thời gian này, bình quân 1 năm Saigon Co.op cho ra đời 2, 3 siêu thị.

Song cái gì cũng có 2 mặt của nó. Sự phát triển quá nhanh bao giờ cũng đi kèm với rủi ro mà cụ thể trong lĩnh vực bán lẻ chính là nguồn nhân lực.

Bà Nghĩa tâm sự: “Thời điểm đó, Saigon Co.op phát triển nhanh quá nên nhân sự đảm nhận các chức vụ quản lý dù rất cố gắng nhưng vẫn không đáp ứng được. Rồi nền tảng phục vụ cho bộ máy như chương trình điện toán, trung tâm phân phối, mua hàng cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung mạnh cho công tác đào tạo nhân lực. Nhờ vậy đến nay hàng chục siêu thị của Saigon Co.op trên cả nước đều hoạt động tốt, đạt hiệu quả cao”.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của chuỗi siêu thị Co.op Mart đã gặp phải những đối thủ cạnh tranh đáng gờm bởi sự xuất hiện một số siêu thị ngoại như Metro, BigC. “Sự đổ bộ của siêu thị ngoại đã khiến Ban giám đốc Saigon Co.op không khỏi lo lắng. Đặc biệt cả Metro và BigC khi tham gia thị trường Việt Nam đều chấp nhận lỗ trong 5, 7 năm, thậm chí lâu hơn” - bà Nghĩa bày tỏ.

Thực tế, thời điểm cuối thập niên 90 Metro đã hút một lượng khách không nhỏ của các siêu thị trong nước. Song Metro lại theo hướng bán sỉ và thường ở xa khu dân cư do là mô hình đại siêu thị. Nắm được “nhược điểm” này của Metro, bà Nghĩa đã chỉ đạo công ty tập trung phát huy lợi thế gần khu dân cư, nên chỉ trong thời gian ngắn Saigon Co.op đã thu hút lại lượng khách như ban đầu. Nhưng khó khăn vẫn chưa hết khi hầu hết siêu thị đều đẩy mạnh hoạt động theo mô hình Co.op Mart, tức hàng Việt Nam chiếm 80%, kể cả những siêu thị ngoại như BigC.

- Vậy hệ thống Co.op Mart của Saigon Co.op phải làm gì để giữ vững vị thế của mình? - tôi thắc mắc.

- Đúng là sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt. Áp lực từ các đối thủ trong và ngoài nước buộc chúng tôi phải cải thiện nhiều mặt. Trước mắt là cải thiện trang thiết bị, nâng cao chất lượng hàng hóa, quảng cáo, khuyến mại; đặc biệt nâng cao năng lực đội ngũ quản lý để đáp ứng nhu cầu khách hàng và yêu cầu tăng tốc.

Say sưa nói về câu chuyện của Saigon Co.op, vị cựu thuyền trưởng cho biết dù chính thức rút khỏi công việc quản lý đã vài năm, nhưng Saigon Co.op vẫn là một phần máu thịt trong con người bà. Chẳng thế mà mỗi lần đi siêu thị thấy có vấn đề gì, dù nhỏ nhất bà cũng thấy lo lắng. Bà hiện đang làm cố vấn cho Saigon Co.op.

Tin tưởng vào thế hệ thứ 2

Khi được hỏi, nếu nhìn lại bà có cảm thấy tiếc điều gì chưa làm được cho Saigon Co.op trong những năm tháng điều hành. Bà quả quyết là không. “Điều gì cũng có 2 mặt của nó. Chẳng hạn như thời gian đầu, tôi có thể vay vốn ngân hàng để phát triển nhanh hơn. Nhưng nghĩ lại cũng có cái hay, cái không hay. Bản thân tôi hơi dè dặt nên đã chọn con đường chậm mà chắc. Đó cũng là tiền đề để Saigon Co.op có sự phát triển nhanh, mạnh như hôm nay” - bà Nghĩa tự hào nói.

Việc điều hành Saigon Co.op đã được bà Nghĩa chuyển giao cho thế hệ thứ 2 và những bước đội ngũ quản lý mới này đang đi cũng đang theo con đường mà bà đã vạch ra trong vai trò “thuyền trưởng”.

Tất nhiên cũng có một vài điều mới mẻ như bán hàng qua truyền hình. Song về cơ bản chiến lược phát triển nhanh, phủ khắp hiện vẫn đang tiếp tục được triển khai ở Saigon Co.op. Bà Nghĩa cho biết hoàn toàn tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo thứ 2 này. Bởi trước hết họ chính là những người cùng đồng lòng với bà trong suốt thời gian đầu đầy gian khó.

Ngoài ra họ còn là những người trẻ đầy năng động, nhiệt huyết, say mê với công việc và đặc biệt hết sức nhạy bén để thích nghi với tình hình thực tế và sự cạnh tranh đang ngày một khốc liệt hơn. Bà kỳ vọng vào một sự phát triển, nhanh mạnh hơn nữa của Saigon Co.op để khẳng định một thương hiệu bán lẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, con người luôn yêu thích mô hình HTXõ ngay cả khi mô hình này gặp khó khăn - thậm chí nhiều người cho rằng đã hết thời - đã tạo nên sự thành công khiến nhiều người phải nể phục. Đến nay nhắc đến bà Nguyễn Thị Nghĩa, người ta nhắc đến Saigon Co.op và ngược lại.

Hành trình của người phụ nữ ấy tất nhiên không trải toàn hoa hồng, nhưng nếu có dịp được gặp, được trò truyện với bà sẽ thấy bà không thích nhắc nhiều đến khó khăn. Bởi với bà khó khăn, thách thức chính là cơ hội tạo nên thành công. 

Các tin khác