Riêng một góc trời

Huỳnh Kim Lập (ảnh) thành lập công ty mang tên “Thiên Tân”, nghĩa là “Trời Mới”. Nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với Lập, tôi thích gọi tên công ty là “trời riêng” theo đúng tính cách của anh. Cũng xin thưa không phải “trời riêng” là lập dị, một mình một cõi, mà là một cách đi, một cách nghĩ khác người và một thành công cũng khác với tất cả. Gần 15 năm nay, Lập vẫn “một trời riêng” như vậy. Và Công ty Thiên Tân của anh đã có những bước đi rất riêng khiến bạn bè đồng nghiệp phải nể trọng.

Huỳnh Kim Lập (ảnh) thành lập công ty mang tên “Thiên Tân”, nghĩa là “Trời Mới”. Nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với Lập, tôi thích gọi tên công ty là “trời riêng” theo đúng tính cách của anh. Cũng xin thưa không phải “trời riêng” là lập dị, một mình một cõi, mà là một cách đi, một cách nghĩ khác người và một thành công cũng khác với tất cả. Gần 15 năm nay, Lập vẫn “một trời riêng” như vậy. Và Công ty Thiên Tân của anh đã có những bước đi rất riêng khiến bạn bè đồng nghiệp phải nể trọng.

Biến cát thành... vàng

 

“Tôi tuổi con rắn, Ất Tỵ, 1965. Lúc nhỏ mẹ dẫn tôi đi xem tướng số, ông thầy bói phán: Tuổi cháu phải bò liên tục mới tồn tại. Nhưng lên tới đỉnh núi, rắn là con vật có mặt trước tiên. Tưởng ông thầy bói nói chơi, ai dè đến bây giờ tôi mới nghiệm ra rằng, đời tôi là cả một chuỗi dài của việc “bò lê bò toài” để tồn tại. Nếu nói tôi đã lên đến “đỉnh” cũng được mà đang ở lưng chừng dốc cũng không sai. Nhưng có điều, bây giờ tôi có thể nhìn được hai ba cõi chi đó trong thiên hạ được rồi. Và để nhìn được “hai ba cõi”, tôi đã xây dựng được cho mình một chỗ đứng ổn định trên cuộc đời này”. Nghe có vẻ hơi ngạo mạn và tôi không phải nhà kinh tế hay chiến lược gia để có thể biết Huỳnh Kim Lập đang đứng ở chỗ nào, nhưng nhìn vào những gì anh có được hôm nay, điều mà tôi cảm nhận được là Lập có thể mỉm cười trước bè bạn về những gì hơn 20 năm qua anh đã phải “bò lê” từng chút một để đạt đến những điều mình muốn.

Nhớ cách đây 10 năm, Lập nói với tôi: “Tôi định vô Mộ Đức làm hồ nuôi tôm trên cát. Đã đi xem chỗ rồi, thấy cũng thích mắt lắm. Theo anh thì sao?”. Vì quý tôi nên Lập hỏi cũng chỉ để mà hỏi thế thôi chứ con người ấy, hễ đã quyết cái gì rồi thì có bão cấp “siêu mạnh” cũng không thể cản được. Tôi nói nước đôi: “Mình tù mù về ba cái chuyện tôm cua ấy lắm. Nhưng nghe nói cậu “chơi” những gần 20 tỷ đồng vô đó, lỡ có chuyện gì, dễ tụt huyết áp lắm”. Lập rít một hơi thuốc lá thật dài: “Không sao đâu ông bạn. Tôi vô miền Nam xem họ nuôi tôm trên cát rồi. An toàn tuyệt đối, chỉ có lãi trở lên thôi”. Tôi biết tính Lập không phải là người hay “lên đồng” mà nói cho sướng miệng, nhưng vẫn cứ lo lo, dù chuyện làm ăn của Lập chẳng liên quan gì đến mình. Thế rồi một “vương quốc tôm trên cát” tại Mộ Đức ra đời. Hôm thu hoạch lứa đầu tiên, quan khách chen nhau đi xem “tôm ông Lập” như đi xem hội. Lạ quá mà, chẳng ai có thể tin rằng Lập đã biến cái vùng cát trắng hoang vu ấy thành trang trại nuôi tôm. Ngày ấy, cả tỉnh Quảng Ngãi, hễ mỗi mùa lạnh về, tôm bị dịch chết như rạ, nhưng những hồ tôm của Lập vẫn bình yên. Tôi không tiện hỏi chuyện lời lỗ với Lập về những hồ tôm này nhưng tôi biết anh đang “thắng lớn” vì tôm ai cũng chết, trong khi tôm anh nuôi phát triển ào ào. Người đầu tiên biến cát thành… vàng như thế, chỉ có Huỳnh Kim Lập. Lại thêm “một trời riêng” về con người này.

Chế ngự vùng đất “ma”

Lại cũng 10 năm trước, lúc dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất rộ lên lần thứ nhất, cả tỉnh Quảng Ngãi sướng phát rồ vì kỳ vọng trên một triệu dân sẽ “ngập” trong dầu. Thế nhưng liên doanh Việt-Nga tan vỡ khiến dự án bị treo lơ lửng suốt nhiều năm. Khi những giọt hy vọng cuối cùng về nhà máy lọc dầu của nhiều người dân Quảng Ngãi bị tát cạn, Huỳnh Kim Lập lặng lẽ ra Vạn Tường - địa danh từng nổi tiếng với việc “trận đầu thắng Mỹ” lúc Lập mới sinh (1965) - nằm cách nhà máy lọc dầu chừng 4 cây số, để xem đất “định đô”. Những người có tư duy “mì ăn liền” như tôi ra nhìn Lập tất tả đi chọn đất khi ấy đều nghĩ thằng cha này điên. Vạn Tường ngày ấy hoang vắng đến rợn người. Nhiều người bảo có việc đi qua khu vực này chừng 4 giờ chiều là gặp… ma rồi. Ấy thế mà Lập vẫn đến “vùng đất của ma” để chọn vị trí lập trụ sở công ty, không điên sao được. Nín hơi chờ thời đến 5 năm sau, năm 2005, Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại rộ lên lần nữa. Lần này thì chắc chắn thành công bởi Tập đoàn Technip đã trúng thầu và vấn đề trước tiên được đặt lên bàn nghị sự của các nhà quản lý ở Quảng Ngãi cũng như Ban Quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất là: Hàng trăm kỹ sư và công nhân bậc cao của Technip sẽ ở đâu để thi công nhà máy? Không lẽ thuê cả khách sạn trong TP Quảng Ngãi, cách nhà máy 30-40 cây số để sáng xe đưa chiều xe rước? Mà khách sạn cũng chỉ ở dăm ba ngày chứ ở triền miên những 3-4 năm thì “bố thằng tây” cũng chạy mất dép. Trong lúc “bí đường”, người ta nghĩ đến Lập, hay chính Lập chủ động “nghĩ” đến người ta cũng chưa rõ, song phương án làm nhà biệt thự ngay tại Vạn Tường cho chuyên gia nước ngoài thuê đã được chọn. Và Lập chứ không ai khác, là người sẽ giải tỏa mối bận tâm về chỗ ở cho nhà thầu. 71 biệt thự cao cấp và 170 phòng ở với đầy đủ tiện nghi dành cho công nhân bậc cao đã nhanh chóng mọc lên giữa Vạn Tường đúng ngày Tập đoàn Technip đặt viên đá móng nhà máy lọc dầu. Bây giờ, giữa cái thành phố vẫn còn “trực thuộc xã” ấy đã lô nhô ngói đỏ với cây xanh. Biển một bên và… 71 biệt thự của Lập một bên. Kỹ sư, công nhân và các chuyên gia của Technip vừa có nơi ở sang trọng lại hữu tình, mà Lập cũng có một nguồn thu rất lớn từ những ngôi biệt thự này.

Ông Huỳnh Kim Lập (giữa), nhận bằng khen của Bộ GT-VT ngày khánh thành tuyến đường tránh Đức Phổ. Ảnh: HÀ MINH 

Ông Huỳnh Kim Lập (giữa), nhận bằng khen của Bộ GT-VT ngày khánh thành
tuyến đường tránh Đức Phổ. Ảnh: MINH

- Nói trộm vía, nếu để một doanh nghiệp nhà nước nào đó xây nhà cho Technip thuê chắc đến khuya mới có nhà. Nhưng sao ông tham lam quá. Như vậy chưa đủ sao còn định xây dựng tiếp một “khu đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường” ngay giữa lòng Vạn Tường? - tôi hỏi vui.

- Thế đấy, nhiều người khi biết tôi đệ đơn trình các nhà quản lý ở Quảng Ngãi cho phép thực hiện dự án khu đô thị này nói tôi điên nặng rồi. Nhưng họ có biết rằng sẽ có chừng ba vạn công nhân, kỹ sư làm việc chung quanh cụm lọc - hóa dầu tại Dung Quất. Chỉ cần xây chừng 1.000 căn hộ tương đối xịn và bán cho họ theo hình thức trả dần trong 25 năm, tôi tin rằng mình sẽ thành công với dự án này”. Thú thật nhìn những gò hoang bờ mối vẫn còn mênh mông ở Vạn Tường, tôi không đủ lãng mạn để hình dung ra 1.000 căn hộ “xịn” với ngói đỏ và cây xanh, chim hót bốn mùa sẽ nhanh chóng mọc lên như 71 căn biệt thự mà Tập đoàn Technip đang thuê. Như hiểu tâm trạng của tôi, Lập cười khẳng định: “Bất kỳ việc gì mà độ tin cậy thấp là tôi không làm”. Tôi chờ đợi “một trời riêng” lô nhô ngói đỏ sẽ mọc lên nơi góc biển Vạn Tường này trong một tương lai không xa.

Tiếp theo dự án biệt thự, đến thủy điện Hà Nang hơn 300 tỷ đồng đã chính thức được khánh thành và hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Rồi  đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1A qua thị trấn Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài gần 10km tổng kinh phí 580 tỷ đồng, mới được khánh thành, đưa vào sử dụng cách đây vài ngày… Chưa dừng lại ở những thành công ban đầu, Huỳnh Kim Lập đang nuôi ý tưởng táo bạo: xây trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi và làm kè lấn sông Trà Khúc, dời công viên Ba Tơ ra ven sông để hình thành nên khu thương mại dịch vụ sẽ sầm uất nhất tỉnh này. “Đây là tâm đắc của tôi. Ý tưởng này đã được tôi đề đạt với UBND tỉnh, nhưng không biết có được không” - Lập thổ lộ.

Ước mơ giám đốc trại mồ côi

Riêng một góc trời ảnh 3Nếu hiểu thành đạt của một doanh nhân là kiếm được thật nhiều tiền bằng trí lực của mình thì tôi là người thành đạt. Nhưng tôi luôn cho mình là người có chút may mắn hơn bạn bè. Tiền bạc với tôi bây giờ cũng không còn là mục tiêu, mà được làm việc, được cống hiến những công trình, những ý tưởng của mình cho cuộc đời này mới là niềm vui. Nhưng niềm vui lớn nhất mà tôi đang đón chờ là xây một trung tâm nuôi trẻ mồ côi do chính tôi làm giám đốc.
Riêng một góc trời ảnh 4

Ông Huỳnh Kim Lập,
Giám đốc Công ty Thiên Tân

Đi trước, nghĩ trước, độ tin cậy cao, không dựa dẫm vào những mối quan hệ… Đó là những cụm từ luôn “có mặt” trong con người Lập. Sinh ra tại phố cổ Thu Xà, một thương cảng từng nổi tiếng với người Minh Hương thế kỷ 17-18, Huỳnh Kim Lập là con thứ 4 trong gia đình có 8 anh chị em. Cha Lập, một nông dân chọn nghề nuôi vịt “để dễ liên lạc với cách mạng thời chiến tranh chống Mỹ” - như cách lý giải của ông. Lập được cha chọn để “truyền nghề”. Năm học lớp 6, có thời điểm Lập đã thay 2/3 công việc của cha để cáng đáng đàn vịt hàng nghìn con. Lăn lộn với ruộng và vịt nhưng chàng thanh niên ấy không nguôi nuôi hoài bão lớn: Phải làm giàu không phải bằng nghề nuôi vịt. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, Lập lang thang Sài Gòn một thời gian để tìm cơ hội. Quãng thời gian cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho những ai có hoài bão lớn, nhưng Lập lại không muốn lao vào thực hiện ước mơ làm giàu bằng mọi giá như một số bạn bè anh đã làm. Buôn lậu và làm ăn theo kiểu chụp giật, rất nhanh giàu nhưng điều đó vô cùng xa lạ với tính cách của anh. Lập “hồi hương” cùng tấm bằng đại học kinh tế nhưng chỉ để… nuôi gà. Cái tên “Lập gà” được bạn bè gán cho từ ngày ấy. Cả một trang trại hoành tráng mọc lên giữa lòng thị xã Quảng Ngãi khiến ai cũng ngạc nhiên. Những năm ấy, dịch ở heo đã gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Đã vậy, giá heo sữa tụt dài khiến nhiều người mang heo con vất ra đường. Lập đã đi lùng và mua tất cả số heo vứt đi ấy về nuôi chờ thời. Chưa đầy 1 năm sau, giá heo tăng chóng mặt. Thế nhưng, heo gà gì Lập cũng bán xới tuốt tuột trước đôi mắt lưng tròng giọt vắn giọt dài của vợ. Một lần nữa anh “hành phương Nam”. Chẳng thể nuôi heo, nuôi gà mà giàu được. Đó là cái lý của anh, đó cũng là lý do để Lập lên đường đi tìm cơ hội mới.

Với những gì mà Lập có được sau 15 năm vật lộn với thương trường đã nói lên rằng việc anh bỏ ngang chuyện gà, chuyện heo giữa lúc thắng to là hoàn toàn đúng đắn. Đi trước thật nhanh nhưng rồi bỗng dừng đột ngột, lại rẽ một lối khác, Lập chẳng khác những động viên đua xe trên những vùng sa mạc châu Phi là mấy. Nhưng dù đi vòng, chạy thẳng hay đột ngột rẽ ngoặt, cái đích trước mặt vẫn không bao giờ Lập quên. Chưa hết, Lập đang nuôi ý định xây dựng một trung tâm nuôi trẻ mồ côi. Và chắc chắn đó chưa phải là dự định cuối cùng của một doanh nhân thành đạt như Lập, nhưng lại là đề án nhân văn mà không phải người nhiều tiền nào cũng nghĩ đến.

Làm ra đồng tiền bằng sức lực của mình đã là điều rất quý nhưng sử dụng đồng tiền ấy vào những việc có ý nghĩa lại càng quý hơn. Đó cũng được hiểu như là “một trời riêng” của Lập vậy.

Các tin khác