“Tay ngang” làm truyện tranh

Khoảng 10 năm trước, khi hầu hết các nhà xuất bản Việt Nam chịu bó tay trước cuộc đổ bộ của truyện tranh Nhật Bản, có một người phụ nữ “tay ngang” đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục với bộ truyện “Thần đồng Đất Việt”. Chị chính là Phan Thị Mỹ Hạnh (ảnh), Tổng giám đốc CTCP Truyền thông và Giáo dục Phan Thị.

Khoảng 10 năm trước, khi hầu hết các nhà xuất bản Việt Nam chịu bó tay trước cuộc đổ bộ của truyện tranh Nhật Bản, có một người phụ nữ “tay ngang” đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục với bộ truyện “Thần đồng Đất Việt”. Chị chính là Phan Thị Mỹ Hạnh (ảnh), Tổng giám đốc CTCP Truyền thông và Giáo dục Phan Thị.

Gian nan thử sức

Vốn là một kỹ sư chuyên ngành viễn thông nhưng lại thông thạo ứng dụng máy tính, Phan Thị Mỹ Hạnh luôn thích mày mò những phần mềm ép font để tạo ra những kiểu chữ cách điệu theo ý muốn của mình. Song cũng chính những kiểu chữ ấy đã khiến chị từng bị kiện vì tội ăn cắp kiểu chữ.

Tưởng là họa nhưng hóa ra lại là may. Vì khi mọi thứ được chứng minh, nhiều nhà xuất bản trong nước lại biết đến cái tên Mỹ Hạnh. Vậy là họ thuê chị làm gia công sắp chữ, chế bản in… Thời đó, những bộ truyện tranh Nhật Bản như Doraemon, Siêu quậy Teppi, Bảy viên ngọc rồng… được xuất bản với tốc độ cực “khủng” nên Mỹ Hạnh kiếm được kha khá.

Chị cũng nhìn thấy lợi nhuận mà những bộ truyện này, đặc biệt bộ truyện Doraemon, mang lại cho các nhà xuất bản là không nhỏ. Ý nghĩ làm truyện tranh Việt bắt đầu xuất hiện trong đầu chị và chị bắt đầu tìm tòi nghiên cứu.

Nghỉ làm gia công, số tiền kiếm được chị dành mua nhà, còn lại chị quyết định mở công ty. Phan Thị ra đời năm 2000 với mong muốn sản xuất ra truyện tranh Việt Nam nhắm vào một thị trường đang tràn ngập truyện tranh Nhật Bản. Cái khó đầu tiên là việc đăng ký kinh doanh.

“Làm truyện tranh Việt là làm cái gì” chính là câu hỏi của phía cơ quan đăng ký. Giải thích lần hồi đến lần thứ ba công ty mới có giấy phép hoạt động. Bộ truyện đầu tiên Việt sử Lạc Hồng thất bại thảm hại. Hơn 20 tập truyện chỉ tiêu thụ được 4 tập. Tính sơ bộ công ty lỗ khoảng 200 triệu đồng.

“Thú thật thất bại này khiến tôi nản lòng. Bạn bè, gia đình khuyên tôi trở lại với ngành mà mình đã theo học là viễn thông. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định không bỏ cuộc. Đầu tiên tôi đọc lại và nghiên cứu bộ truyện Doraemon. Tôi đã phát hiện ra một điều tưởng chừng rất đơn giản: chính những nhân vật bụ bẫm, ngộ nghĩnh là sức hút đối với trẻ em.

Chưa kể, những câu chuyện lịch sử, truyền thống, những cách cư xử … được lồng vào hết sức khéo léo. Trong khi truyện tranh Việt Nam thường không sống động, không có nhân vật tập trung và nét vẽ đã trở nên nhàm chán với thiếu nhi” - chị Hạnh chia sẻ.

Chị quyết định học hỏi theo kỹ thuật Manga của truyện tranh Nhật Bản. Đây là kỹ thuật sử dụng hình vẽ hiệu ứng như phim hoạt hình với những hình ảnh liên tiếp thể hiện một pha hành động hoặc sự thay đổi cảm xúc của nhân vật.

Và Thần đồng Đất Việt với cốt truyện là lịch sử Việt Nam ra đời sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ. Tuy nhiên, thất bại của bộ truyện đầu tiên khiến Công ty Phan Thị không còn đủ vốn. Có bản thảo nhưng không có tiền in. Chị Hạnh đến từng nhà xuất bản kêu gọi sự hợp tác nhưng phản hồi chỉ là những cái lắc đầu vì bản thân các nhà xuất bản này đã quá mệt mỏi với truyện tranh Việt Nam.

Chị quyết định tự làm. Để có tiền in sách, chị phải bán mảnh đất của mình. Thế nhưng, tập truyện đầu tiên xuất bản ra không ai dám nhận phân phối vì quá mới và hiệu quả chưa biết thế nào. Chị và các cộng sự của mình lại phải tự thân vận động đi tiếp thị cho bộ sách mới.

Bản thân chị đến từng trường học phát tờ rơi, tự tay bán từng cuốn truyện, gửi truyện và thông tin đến nhiều cơ quan báo chí. Trời không phụ lòng người, đến tập thứ 3 của bộ truyện, một số tờ báo bắt đầu đăng giới thiệu. Và khi tập thứ 4 phát hành, nhiều phụ huynh đã mua Thần đồng Đất Việt cho con. Phan Thị thành công từ đó.

Mang truyện Việt ra nước ngoài

- Đến nay đã có hơn 100 tập truyện Thần đồng Đất Việt được xuất bản. Chị có sợ cạn nội dung? - tôi hỏi.

 - Nội dung thì không thể cạn do văn hóa Việt Nam hết sức phong phú. Điều chúng tôi sợ là trẻ em cảm thấy nhàm chán với diện mạo nhân vật. Vì thế chúng tôi đã phát hành các bộ truyện về thần đồng mỹ thuật, thần đồng khoa học, thần đồng toán học, vừa là sân chơi, vừa tạo cảm giác mới mẻ cho bạn đọc.

Chị Phan Thị Mỹ Hạnh tư vấn cho khách hàng tìm hiểu ấn phẩm của Phan Thị. Ảnh: LÃ ANH

Chị Phan Thị Mỹ Hạnh tư vấn cho khách hàng tìm hiểu ấn phẩm của Phan Thị. Ảnh: LÃ ANH

Thành công về hiệu quả và doanh thu, Thần đồng Đất Việt đã “sút một cú thủng lưới” truyện tranh Nhật Bản. Nhiều nhà xuất bản lớn lúc đó cũng cảm thấy tự ái vì bị một đơn vị tư nhân mà đứng đầu là một phụ nữ tay ngang qua mặt nhưng họ cũng phải thừa nhận thành công của Phan Thị.

Thành công tiếp nối thành công, nhưng mong muốn của người phụ nữ ấy không chỉ dừng lại ở việc đưa truyện tranh của mình đi vào lòng các độc giả Việt Nam. Khởi động cho tham vọng ấy là việc Phan Thị tổ chức cuộc thi chuyển ngữ Thần đồng Đất Việt sang tiếng Anh với hoài bão quảng bá văn hóa Việt. Năm 2011, bộ truyện Danh tác Việt Nam của Phan Thị cũng được chuyển ngữ sang tiếng Nhật.

Đây là lần đầu tiên một tác phẩm truyện tranh Việt Nam được chuyển ngữ và xuất bản ở đất nước mặt trời mọc. Các giảng viên người Nhật hiện đang giảng dạy ngôn ngữ Nhật tại các trường đại học ở Hà Nội và TPHCM tham gia công tác dịch thuật và các tác phẩm truyện tranh Việt Nam phiên bản tiếng Nhật đã được giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc Nhật Bản trong lễ hội Comiket vào tháng 8-2011.

Nói về bộ truyện tranh Danh tác Việt Nam, chị Mỹ Hạnh hồ hởi kể: “Đây có thể coi như bước đột phá của Phan Thị. Thực ra, ý tưởng chuyển thể các danh tác sang hình thái truyện tranh không phải là mới, bởi trên thế giới đã có nhiều tác phẩm văn học kinh điển được chuyển thể.

Văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nhân văn và nghệ thuật, cần phải làm sao để bạn đọc nước ngoài ngày càng biết đến và tìm mua đọc. Vì thế tôi đã quyết định mang bộ truyện tranh Danh tác Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng Nhật tham gia lễ hội Comiket. Comiket là lễ hội truyện tranh lớn nhất tại thủ đô Tokyo Nhật Bản được tổ chức 2 lần/năm, thu hút gần 1 triệu lượt khách tham quan mỗi kỳ.

Sự kiện cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các họa sĩ truyện tranh không chuyên của Nhật. Đây là cơ hội quảng bá truyện tranh Việt Nam ra thế giới. Để tham gia sự kiện này, Danh tác Việt Nam đã phải gửi tác phẩm đến hội đồng giám khảo, được chấp thuận mới được phép tham gia”. Đặc biệt đến nay, Phan Thị đã “tranh hóa” các tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, Tắt đèn (2 tập) của Ngô Tất Tố…

Bài toán vốn, bản quyền

Trong suốt buổi trò truyện với chúng tôi, chị Mỹ Hạnh không muốn chia sẻ thành công về khía cạnh doanh thu của các bộ truyện. Song chỉ cần nhìn vào sự phát triển của Phan Thị cũng phần nào thấy được sự lớn mạnh của công ty.

Từ những ngày đầu chỉ có vài họa sĩ, đến nay Phan Thị đã có một dây chuyền viết kịch bản, phác thảo… Tuy nhiên khó khăn chung của nhiều nhà xuất bản trong đó có Phan Thị chính là câu chuyện vốn và bản quyền.

Nhiều ý kiến cho rằng Thần đồng đất Việt hay một số bộ truyện sau này của Phan Thị mang quá nhiều nét truyện tranh Nhật Bản. Riêng tôi cho rằng, là người kinh doanh, phải biết đón đầu xu hướng. Hơn 10 năm trước, truyện tranh Manga Nhật Bản đã thu hút được nhiều bạn trẻ, đối tượng mà chúng tôi nhắm tới, không lẽ nào chúng tôi không đi theo kỹ thuật của họ. Nhưng trong truyện tranh Nhật Bản làm gì có tích truyện Việt Nam và đó là nét riêng mà chúng tôi khai thác để các sản phẩm mang chất văn hóa dân tộc.

Chị PHAN THỊ MỸ HẠNH,
Tổng Giám đốc CTCP Truyền thông và Giáo dục Phan Thị

Vốn chính là cái khó nhất trong kinh doanh của không ít nhà xuất bản. Như bộ truyện Thần đồng Đất Việt của Phan Thị, để tạo được dấu ấn, phải xuất bản liên tục nhiều tập, làm cho độc giả ghi nhớ. Nhưng khi xuất bản liên tục, chi phí nhiều trong khi việc thu hồi vốn lại hết sức từ từ. “Muốn làm tốt phải trường vốn.

Bởi việc thiếu vốn đã làm cho khả năng phát triển của nhiều nhà xuất bản trong nước bị chậm lại. Chẳng hạn như nếu có vốn sau khi thành công với một bộ truyện tranh, nhà xuất bản có thể mạnh dạn làm thêm nhiều thứ khác liên quan đến tuyến nhân vật của mình như làm phim hoạt hình, đồ chơi… Phan Thị đang đi tìm lời giải cho bài toán khó này” - chị Hạnh tâm sự.

- Giả sử có một quỹ đầu tư nào đó quan tâm và muốn đầu tư vào Phan Thị, chị nghĩ sao?

- Chúng tôi rất hoan nghênh nếu họ muốn đầu tư nhưng họ phải cùng chí hướng, mục tiêu với chúng tôi là làm truyện tranh Việt Nam, chứ không phải cứ có tiền thì muốn làm gì cũng được.

Điều khiến Mỹ Hạnh đau đầu nữa chính là việc vi phạm bản quyền đang diễn ra ngày càng phổ biến, công khai trong khi sự bảo hộ bản quyền tác giả, tác phẩm tại Việt Nam còn quá lỏng lẻo.

Chị Hạnh kể thời gian trước Công ty Phan Thị bị công an đến hỏi tại sao sử dụng hình tượng nhân vật trong Thần đồng Đất Việt để làm games bạo lực ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Phan Thị tá hỏa, tìm hiểu ra mới hay công ty mình bị đánh cắp bản quyền nhưng cũng đành bó tay. Chỉ còn biết mong chờ vào sự ra tay của phía cơ quan chức năng.

“Cơ quan chức năng cần có biện pháp để ngăn chặn những hành vi này, bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến các sản phẩm của các doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến dư luận” - chị Hạnh bày tỏ.

Trên thực tế không chỉ Phan Thị mà hầu hết các nhà xuất bản đều ngán chuyện này. Nhưng việc mình làm mình vẫn phải làm, truyện vẫn phải xuất bản, công ty vẫn phải phát triển dù những vật cản đường không nhỏ.

Hành trình của người phụ nữ này cho đến hôm nay có thể tạm gọi là thành công. Song con đường phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai. Làm sao để bứt phá được  chính hình tượng mình đã sinh ra và nuôi nó khôn lớn không hề đơn giản.

“Nhiều người đã từng hỏi tôi: Cái bóng của Thần đồng Đất Việt quá lớn có phải là lý do khiến những đứa con sau của Phan Thị không vượt qua nổi? Tôi trả lời: Chúng ta hãy nhìn xem, hãng Walt Disney cũng chỉ nổi tiếng với một con chuột Mickey. Cái gì ban đầu cũng tạo một dấu ấn rất đậm. Thần đồng Đất Việt chính là sản phẩm “đinh” của Phan Thị. Vì vậy mọi hoạt động quảng bá đều phải chú trọng vào bộ truyện này. Tất nhiên sau đó nó sẽ trở thành sứ giả để giới thiệu những bộ truyện khác”.

Dù đâu đó vẫn còn tranh cãi xung quanh các bộ truyện của Phan Thị nhưng những đóng góp của chị Phan Thị Mỹ Hạnh cùng các cộng sự cho nền truyện tranh Việt Nam là rất đáng ghi nhận. 

Các tin khác