Tiên phong mô hình mới

Hình ảnh đầu tiên khi tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Bé (ảnh), Tổng giám đốc Công ty liên doanh Khu chế xuất (KCX) Linh Trung, là người có khuôn mặt sạm đen, nét cương nghị và đôi tay rắn chắc của một người lính. Chính sự rắn rỏi này đã giúp ông trở thành một trong những người góp phần không nhỏ vào thành công của 2 KCX thành công nhất Việt Nam: Tân Thuận và Linh Trung.

Hình ảnh đầu tiên khi tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Bé (ảnh), Tổng giám đốc Công ty liên doanh Khu chế xuất (KCX) Linh Trung, là người có khuôn mặt sạm đen, nét cương nghị và đôi tay rắn chắc của một người lính. Chính sự rắn rỏi này đã giúp ông trở thành một trong những người góp phần không nhỏ vào thành công của 2 KCX thành công nhất Việt Nam: Tân Thuận và Linh Trung.

Khởi đầu “3 không”

 

Năm 1989, Sở Kinh tế đối ngoại TPHCM (nay là Sở Kế hoạch - Đầu tư) được thành lập, ông Nguyễn Văn Bé được điều về giữ chức Chủ tịch Công đoàn khối Kinh tế đối ngoại.

Ông Bé nhớ lại: “Lúc bấy giờ tôi đã 37 tuổi, giữ các chức vụ về công tác Đảng và đoàn thể nhưng thâm tâm vẫn muốn theo nghiệp kinh doanh. Vì vậy, dù quỹ thời gian không thuận nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp để theo học các lớp đào tạo ngắn và dài hạn tại Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại và Đại học Kinh tế TPHCM.

Khoảng thời gian này, ngoài công việc chuyên môn, tôi còn vừa đi học vừa làm bồi bàn để có tiền trang trải cho sinh hoạt hàng ngày”.

Ước mong đóng góp cho nền doanh nghiệp nước nhà của ông Bé trở thành hiện thực khi Chương trình phát triển KCX Tân Thuận do ông Phan Chánh Dưỡng khởi xướng được Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư Đậu Ngọc Xuân ký giấy cho phép thành lập vào ngày 24-9-1991.

Ông Nguyễn Chánh Trực (Phó Chủ tịch UBND TPHCM lúc bấy giờ) chính là người đã giới thiệu ông Bé với ông Dưỡng với lời nhắn nhủ: “Về làm KCX, trước mắt cần gì làm nấy”.

Thời điểm những năm 1989-1990, cụm từ KCX Tân Thuận không chỉ lạ lẫm đối với nhiều người mà ngay cả cán bộ quản lý hành chính cũng khá mơ hồ. Thời gian đầu, KCX Tân Thuận được xem là dự án “3 không”: không trụ sở làm việc, không kinh phí tài chính và không bộ máy nhân sự.

Có một kỷ niệm vui mà ông Bé không thể quên được trong những ngày đầu khó khăn này.  Do chưa có trụ sở làm việc nên ông và ông Phan Chánh Dưỡng cùng các cộng sự nhiều lúc họp giao ban công việc ngay trên xe ô tô.

Con dấu của KCX Tân Thuận luôn được ông Bé giữ khư khư trong cặp. Điều duy nhất mà cả ông Dưỡng và ông Bé có được lúc bấy giờ là một tư duy đổi mới và niềm ước ao được xây dựng thành công dự án KCX đầu tiên trên cả nước.

Năm 1992, ông Bé được giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn công tác của KCX Tân Thuận tham gia Hội chợ triển lãm các dự án thu hút đầu tư nước ngoài, tổ chức tại Giảng Võ, Hà Nội, với mệnh lệnh từ ông Dưỡng: “Đem chuông đi gióng xứ người”.

Cầm 10 triệu đồng tiền kinh phí và các tài liệu của dự án về KCX Tân Thuận, ông Bé hết sức lo lắng và gần như mất ngủ mấy đêm liền. Tuy nhiên, ngay chuyến “xuất hành” đầu tiên này, đoàn công tác của ông Bé đã may mắn nhận được sự hỗ trợ hết mình của một vị cán bộ lão thành.

Ra Hà Nội, đoàn được vinh dự trú tại ngôi nhà số 125 phố Lò Đúc của Tướng Nguyễn Tạo, nguyên là Giám đốc Công an Hà Nội, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Đoàn được bác Tạo dành riêng cho 3 phòng ngủ và bố trí xe ô ô đi lại.

Bác Tạo còn cho mượn cả tivi, đầu máy và đồ dùng cần thiết để phục vụ cho gian hàng triển lãm. Một nghĩa cử mà ông Bé không bao giờ quên là ngay cả con cháu của bác Tạo dù đang là cán bộ đương chức vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm tài xế đưa đón đoàn trong những ngày ở Hà Nội.

Giới thiệu dự án... trên giấy

Hôm khai mạc triển lãm, gian hàng của KCX Tân Thuận nhận được rất nhiều sự quan tâm chú ý, trong đó có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong suốt thời gian tham gia hội chợ, anh em trong đoàn KCX Tân Thuận nhận được nhiều câu hỏi từ khách tham quan và nhà đầu tư.

Trong vô số những câu hỏi đó, có một câu hỏi mà ông Bé không bao giờ quên là tại sao doanh nghiệp dám cả gan mang ra Hà Nội giới thiệu dự án mới, chỉ có trên giấy! Lúc bấy giờ, ngoài ông Dưỡng là người có kinh nghiệm vì có nhiều năm nghiên cứu, điều tra khảo sát tính khả thi của dự án, tất cả mọi người trong đoàn đều khá mơ hồ về mô hình này.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về mặt số liệu, đoàn đã nhanh chóng giải tỏa các thắc mắc, góp phần quảng bá những hình ảnh đầu tiên của KCX Tân Thuận đến với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 Trục đường chính KCX Linh Trung II.

Trục đường chính KCX Linh Trung II. 

Ông Bé tâm sự: “Tôi tham gia bộ đội vào đúng thời điểm chúng ta mở chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Hơn 15 năm làm công tác quân báo trên nhiều trận địa, đặc biệt là nội đô Sài Gòn nên tôi đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm xương máu. Và điều này đã giúp tôi rất nhiều trong công việc hiện nay, bởi thương trường với tôi cũng là chiến trường trên mặt trận kinh tế”.

Khi về công tác tại KCX Tân Thuận, ông Bé đảm nhiệm vị trí trợ lý cho ông Phan Chánh Dưỡng, rồi sau đó được đề bạt Phó Tổng giám đốc thứ nhất. Giai đoạn này lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vẫn chưa được dỡ bỏ.

Thế nhưng chỉ trong vòng 5 năm, KCX Tân Thuận đã thu hút được hàng trăm triệu USD đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lãnh thổ Đài Loan và Nhật Bản. Đến năm 2007, KCX Tân Thuận vượt mốc 1 tỷ USD đầu tư với 165 nhà đầu tư đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn hết, thành công từ KCX Tân Thuận còn là tiền đề tạo nên sự lan tỏa ra khu vực phía Nam TPHCM.

Có hàng loạt dự án được triển khai xung quanh KCX Tân Thuận như Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, xa lộ cao tốc Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh, Nhà máy Điện Hiệp Phước… Những dự án này đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho cả khu vực rộng lớn của TPHCM theo hướng phát triển về phía Đông.

- Nhưng tại sao đang thuận lợi tại KCX Tân Thuận, ông lại chuyển sang KCX Linh Trung hoàn toàn mới mẻ? Tôi hỏi

- Việc tôi được điều qua KCX Linh Trung là do sự phân công của tổ chức. Sau thành công của KCX Tân Thuận, năm 2007 tôi được điều động sang giữ chức Tổng giám đốc KCX Linh Trung (Thủ Đức). Điều may mắn là dù chuyển sang một đơn vị mới nhưng chức năng không khác nhau nên những kinh nghiệm có được ở KCX Tân Thuận được tôi phát huy tại KCX Linh Trung.

Tất nhiên giai đoạn đầu ở Linh Trung, tôi và cộng sự gặp rất nhiều khó khăn. Mặt bằng  mênh mông làm sao để lấp kín các cơ sở sản xuất luôn là nỗi day dứt trong tôi. Vì vậy chúng tôi lao vào công việc, tôi luôn đưa ra nhiều ý tưởng táo bạo. Một trong những cách làm đó là phủ xanh KCX.

Dù nhà máy chưa xây xong, đường chưa tráng nhựa nhưng tôi đã cho trồng cây xanh lấy bóng mát cho KCX. Do nguồn kinh phí hoạt động thời gian này hạn hẹp, tôi đã vận động anh em đi lượm hạt giống tại trung tâm TPHCM về trồng thay vì đi mua để tiết kiệm chi phí.

Hiện nay khi đến KCX Linh Trung, nhiều người cho biết có cảm giác như đang trong công viên với những hàng cây xanh rợp bóng, khiến tôi rất vui” – ông Bé bộc bạch.

Kỳ tích tạo sự thay đổi

Tiên phong mô hình mới ảnh 3Trong bối cảnh các tỉnh thành “Trăm hoa đua nở” với hàng loạt dự án đầu tư có giá trị lên đến hàng tỷ USD, KCX Tân Thuận và Linh Trung chưa thể sánh về quy mô. Tuy nhiên, cả 2 KCX đầu tiên thực hiện thắng lợi là mô hình mới, là thành công lớn về sự quyết đoán, thể hiện phong cách dám nghĩ dám làm của lãnh đạo TPHCM, cũng như sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, cán bộ nhân viên 2 KCX này. Trong kinh tế, nếu chưa có hình mẫu phải hình thành ý tưởng, tìm ra hình mẫu mới.Tiên phong mô hình mới ảnh 4

Ông NGUYỄN VĂN BÉ,
Tổng giám đốc Công ty liên doanh
KCX Linh Trung

Ông Bé luôn ghi nhớ một quy định mà ông Phan Chánh Dưỡng căn dặn khi còn làm tại KCX Tân Thuận. Đó là nhân viên, quản lý tuyệt đối không được kinh doanh bất cứ thứ gì trong KCX và không được đầu cơ mua đất bên ngoài KCX.

Những quy tắc này được ông Bé quán triệt đến mọi cán bộ, nhân viên KCX Linh Trung. Đến nay, KCX Linh Trung với sự quản lý của ông Bé đã được mở rộng thành 3 khu Linh Trung (1, 2 và 3), với tổng diện tích 312ha, có 140 nhà máy cùng 92.000 lao động đang làm việc.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 của các doanh nghiệp trong 3 khu này đạt hơn 2,3 tỷ USD. KCX Linh Trung còn được xem là một trong những khu công nghiệp thành công nhất tại Việt Nam, có danh tiếng trong giới đầu tư khu vực châu Á.

KCX Linh Trung cũng dẫn đầu các khu công nghiệp trong cả nước về suất đầu tư, kim ngạch xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm trên bình quân ha đất.

Ngoài những thành công trong thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích KCX, tại mỗi KCX Linh Trung đều có câu lạc bộ thể thao, căn-tin, nhà lưu trú cho công nhân và chuyên gia (12 khu), phòng giao dịch các ngân hàng thương mại phục vụ cho người lao động, nhà đầu tư.

Tại khu Linh Trung 1 và Linh Trung 2, Công ty Liên doanh KCX Linh Trung do ông Bé làm Tổng giám đốc đã liên kết với Liên hiệp HTX TPHCM (Co.op Mart) mở 2 siêu thị Co.op Food, cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm cho công nhân viên làm việc tại khu Linh Trung, góp phần hỗ trợ đời sống của công nhân qua chương trình bán hàng bình ổn giá, triển khai khá thành công trong 2 năm 2010, 2011.

Về công tác xã hội, liên tục trong nhiều năm qua, công ty đã đóng góp cho các quỹ từ thiện, xã hội như quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, xây dựng nhà tình thương cho đồng bào nghèo, hỗ trợ đồng bào nghèo tại các địa phương nơi công ty có trụ sở tại phường Linh Trung, Bình Chiểu (Thủ Đức, TPHCM), xã An Tịnh (Trảng Bàng, Tây Ninh) đón Tết Nguyên đán hàng năm; ủng hộ quỹ hỗ trợ công nhân, phong trào hỗ trợ công nhân về quê ăn Tết hàng năm do Hepza phát động và ủng hộ các phong trào từ thiện xã hội khác với hơn 3,3 tỷ đồng.

Trong nhiều năm liền, Công ty Liên doanh KCX Linh Trung đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 2 và 3; nhiều Bằng khen của UBND TPHCM về việc đã tích cực tham gia đầu tư và đạt được thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, đóng góp trong các hoạt động cộng đồng nhiều năm liền; là một trong 10 doanh nghiệp hàng đầu tại TPHCM được Thủ tướng tặng Bằng khen về việc đã có thành tích trong công tác phối hợp, hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài và tham gia đầu tư tại TPHCM… 

Thành công của KCX Linh Trung không chỉ gói gọn trong khuôn viên KCX, mà đã góp phần  không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa TPHCM và cả nước. Thành công này còn là sự đột phá và tạo ra sự thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn TPHCM.

Các tin khác