Tinh hoa sứ Việt

81 con cá chép với đủ sắc màu đang làm cuộc hành trình vượt Vũ môn, và nơi ấy - bầu trời rợp cánh hạc bay.… Đó là  ý niệm, mơ ước về sự viên mãn của ông chủ hãng sứ nổi tiếng Minh Long I được thể hiện tại “thánh đường sứ” Minh Sáng Plaza (Bình Dương). Lý Ngọc Minh (ảnh), người luôn ôm ấp giấc mơ “cá chép hóa rồng” ấy đã làm cuộc bứt phá ngoạn mục để “đưa đồ sứ Việt Nam lên đến đỉnh cao chưa từng thấy”, như đánh giá của giáo sư Trần Văn Khê.

81 con cá chép với đủ sắc màu đang làm cuộc hành trình vượt Vũ môn, và nơi ấy - bầu trời rợp cánh hạc bay.… Đó là  ý niệm, mơ ước về sự viên mãn của ông chủ hãng sứ nổi tiếng Minh Long I được thể hiện tại “thánh đường sứ” Minh Sáng Plaza (Bình Dương). Lý Ngọc Minh (ảnh), người luôn ôm ấp giấc mơ “cá chép hóa rồng” ấy đã làm cuộc bứt phá ngoạn mục để “đưa đồ sứ Việt Nam lên đến đỉnh cao chưa từng thấy”, như đánh giá của giáo sư Trần Văn Khê.

4 không, 4 có

 

Ra đời từ năm 1970, Công ty Gốm sứ Minh Long có 170 công nhân. 10 năm sau, công ty tách đôi và Công ty Minh Long I hình thành, do ông Lý Ngọc Minh làm chủ, khi ấy toàn bộ nhân sự chỉ vỏn vẹn 30 người.

32 năm sau, Công ty TNHH Minh Long I có 2.500 công nhân và đạt doanh thu 30 triệu USD/năm 2011. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm sứ Minh Long I có mặt tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Cuối năm 2011, Công ty Minh Long I là doanh nghiệp lớn duy nhất của Việt Nam được tổ chức APQO trao giải Chất lượng quốc tế châu Á-Thái Bình Dương. Vượt qua giới hạn quốc gia, Minh Long I đã được ghi tên vào nhóm những doanh nghiệp đạt chất lượng đẳng cấp quốc tế.

- Giải thưởng này có ý nghĩa thế nào, là đánh giá quốc tế về mặt chất lượng sản phẩm hay công nhận các vấn đề liên quan sản xuất? - tôi hỏi

- Ban đầu tôi cũng nghĩ Ban tổ chức giải thưởng chỉ quan tâm về chất lượng sản phẩm nhưng không phải vậy. Giải thưởng này đánh giá bao quát, từ chất lượng sản phẩm đến khâu tổ chức, quản lý sản xuất, vệ sinh môi trường, kể cả về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động, cả vấn đề tài chính cũng như việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước... - ông Minh nói.

Với tiêu chí 4 không (không thời gian, không biên giới, không giới tính, không tính tuổi tác) và 4 có (có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách, có hồn), Minh Long I đã khẳng định được thương hiệu, đẳng cấp trong làng gốm sứ, không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới.

Đến nay sản phẩm Minh Long I xuất hiện phổ biến trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Năm 2011, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã quyết định  chọn bộ bàn ăn sứ Minh Long I phục vụ khách hạng thương gia đi trên các chuyến bay trong nước và quốc tế của Vietnam Airlines. Không chỉ có chất lượng và giá trị sử dụng, sứ Minh Long I còn có giá trị nghệ thuật cao.

Những hoa văn, tạo hình trên sản phẩm, từ rồng phượng nơi cung đình đến phong cảnh nước non, cỏ cây hoa lá, cảnh sinh hoạt đời thường đều thấm đẫm văn hóa Việt. Đó cũng chính là sức hút lớn và là lý do để sản phẩm sứ Minh Long I được chọn làm quà tặng của các quốc khách khi đến thăm Việt Nam và là một phần trong hành trang những chuyến công du của các nguyên thủ quốc gia làm quà tặng tại các điểm đến.

Trong chuyến công du thăm Tòa thánh Vatican hồi cuối năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trân trọng tặng và giới thiệu với Giáo hoàng Benedict XVI về một sản phẩm sang trọng, quý phái được kết tinh từ đất và trí tuệ Việt Nam: bình hoa bằng sứ mang tên “Phong Lan” của Minh Long I.

Món quà đã góp phần làm cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu Nhà nước Việt Nam và người đứng đầu Tòa thánh Vatican thành công rực rỡ. Trước đó, hồi cuối năm 1998, bộ ấm trà có kiểu dáng và trang trí đậm chất văn hóa dân gian Việt Nam mang tên “Hồn Việt” của Minh Long I được chọn làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Hà Nội.

Nhân sự kiện Thăng Long nghìn năm tuổi, ông Lý Ngọc Minh sáng tạo “Chén Ngọc Thăng Long” và sản phẩm sứ độc đáo này đã được chọn làm quà tặng các vị quốc khách tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 17 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10-2010.

Hoài bão, đam mê

“Đồ sứ là niềm đam mê trọn đời tôi”- chủ nhân hãng sứ Minh Long I - ông Lý Ngọc Minh giãi bày trong một khoảnh khắc thư giãn hiếm hoi.

Người đàn ông đã trải qua nhiều giông tố cuộc đời này lần giở lại ký ức, kể: "Ngay từ khi 12-13 tuổi, tôi đã nhận ra đồ sứ của quê mình còn quá thô kệch so với Trung Quốc, Nhật Bản… Rồi tôi âm thầm nuôi ý tưởng sẽ làm cuộc cách mạng, thay đổi vị thế của gốm sứ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi phải nghỉ học sớm và mày mò thí nghiệm tìm men màu để làm gốm sứ.

Và những khó khăn trong thực tế vượt xa sự tưởng tượng của mình. Muốn làm được các sản phẩm gốm sứ cao cấp đòi hỏi phải có kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại. Điều đó lại nằm ngoài khả năng của tôi và gia đình. Một thời, gia đình tôi phải chia tay với nghề gốm sứ để trở thành người nông dân thực thụ. Nhưng những vụ mùa bội thu không làm tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nghề và trong tôi luôn nung nấu ý chí về một cuộc cách mạng gốm sứ”.

Ông Lý Ngọc Minh (phải) - Chủ tịch, TGĐ Công ty TNHH Minh Long I và ông Phạm Ngọc Minh - TGĐ Vietnam Airlines cùng kiểm tra, giới thiệu bộ đồ ăn bằng sứ sử dụng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Ông Lý Ngọc Minh (phải) - Chủ tịch, TGĐ Công ty TNHH Minh Long I và
ông Phạm Ngọc Minh - TGĐ Vietnam Airlines cùng kiểm tra,
giới thiệu bộ đồ ăn bằng sứ sử dụng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. 

Năm 1995, khi bắt đầu sản xuất bộ đồ sứ cao cấp dùng trên bàn ăn cũng là lúc ông Lý Ngọc Minh bước vào cuộc tìm kiếm hình hài, vóc dáng và đặc trưng của sản phẩm. Ông bôn ba từ các nước châu Âu đến những nơi được xem là cội nguồn của gốm sứ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để tìm những ý tưởng hay cho sản phẩm của mình.

Sau 5 năm kiếm tìm, ông nắm được kỹ thuật, công nghệ làm sứ hiện đại. Đam mê là nguồn cơn, là động lực thúc đẩy ông Lý Ngọc Minh đầu tư không ít thời gian, công sức tìm tòi sáng tạo để cho ra đời những bộ sản phẩm được nhiều người ưa chuộng như ngày nay. Riêng bộ Sơn Hà, Cẩm Tú - những dòng sản phẩm cao cấp đầu tiên - phải mất 5 năm tìm ý tưởng và 3 năm tìm cách thể hiện.

- Ông đã vượt qua lối mòn tư duy và những hạn chế về kỹ thuật ngày đó như thế nào?

- Để biểu thị niềm tự hào con Rồng cháu Tiên của nước nhà, tôi mạnh dạn cho vẽ một con rồng hơi khác từ trước đến giờ: đầu và mình rồng, cánh phượng, phần đuôi là những cánh sen. Tôi đã mời GS. Trần Quốc Vượng và Cao Xuân Phổ vào thỉnh ý, rồi ra tận Hà Nội đến nơi khai quật Hoàng thành Thăng Long để tìm hiểu, nghiên cứu sau đó mới hoàn thiện hình ảnh con rồng.

Ý tưởng đã xong, nhưng vẫn không khỏi băn khoăn vì chưa biết làm cách nào để thể hiện trên sản phẩm. Màu đỏ (của bộ Sơn Hà) vốn đã khó, làm lại càng thêm khó khi nung ở nhiệt độ 1.25000C chìm dưới men và thêm cẩn vàng. Còn kỹ thuật làm sứ màu xanh da trời (của bộ Cẩm Tú) trên thế giới đã bị mai một. Hiện có một hãng sứ nổi tiếng của Đức làm được nhưng chỉ đạt 60-70%.

Khi bắt tay vào việc này, tôi nghĩ mình làm được 50-60% là đủ. Nhưng suốt gần 2 năm tôi không tìm thấy bóng dáng của nó. Sang đến năm thứ 3, trong lúc cả thầy và trò đều nản, muốn bỏ cuộc, thì một hôm tôi bỗng tìm ra. Chẳng những làm được mà còn đẹp hơn dự kiến rất nhiều. Tôi reo lên trong sự sung sướng…

Sơn Hà, Cẩm Tú sang trọng, tinh tế nhưng chính cái tên của nó đã khiến không ít người kinh ngạc. GS. Trần Văn Khê đã thốt lên: “Tôi vô cùng xúc động trước cái đẹp tuyệt vời của sáng tạo nghệ thuật. Hình thức rất độc đáo, bình trà phỏng theo hình lu nước, nắp bình hình nón là của nông dân Việt Nam.

Hoa văn nói lên được ý nghĩa con Rồng cháu Tiên. Hình dáng, màu sắc, hoa văn mang tính đặc thù và thuần chất Việt”. Vị giáo sư tinh thông văn hóa dân tộc này còn bày tỏ sự mến phục chủ nhân - tác giả của Sơn Hà, Cẩm Tú bởi “đã đi trên con đường kỹ thuật mà có cái nhìn xa đến nghệ thuật và văn hóa Việt Nam”.

Chậm mà chắc

Tinh hoa sứ Việt ảnh 3Kinh nghiệm và công nghệ hiện đại chưa giúp tôi có được những sản phẩm mang phong cách riêng, có tính nghệ thuật cao và đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Tôi băn khoăn, ray rứt mãi… Bỗng một hôm về quê, tôi nhìn thấy cái lu chứa nước. Cái lu mái vú mà thuở bé ngày nào tôi cũng gánh 6 đôi nước để đổ cho đầy. Nó đơn sơ mộc mạc nhưng rất duyên, lại gần gũi. Nó là đặc trưng của đồ gốm Bình Dương, trên hết nó rất Nam bộ. Tôi chụp chiếc nón lá lên miệng lu, thấy nó đầy gợi cảm và rất Việt Nam. Từ đó, tôi bắt tay vào sáng tạo và đã cho ra đời hàng loạt những dòng sản phẩm dựa trên nền tảng của cái lu mái vú.
Tinh hoa sứ Việt ảnh 4

Ông LÝ NGỌC MINH,
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I

Trong lúc cơn giông bão tài chính đang khiến không ít doanh nghiệp lao đao, Minh Long I dưới dự dẫn dắt của ông Lý Ngọc Minh vẫn không hề lay chuyển trên hành trình hướng tới tương lai.

- Hiện các doanh nghiệp có xu hướng đại chúng hóa (cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán…) để nhanh lớn mạnh, Minh Long I có đi theo xu hướng này?

- Không! - Lý Huy Sáng, con trai trưởng ông Lý Ngọc Minh và là người xác định sẽ thay cha điều hành công ty trong tương lai không xa, trả lời dứt khoát như vậy.

Anh chìa ra 3 ngón tay, nói: "Chúng tôi xác định có 3 lý do để Minh Long I không đại chúng hóa: Một là, không cần huy động vốn từ công chúng vì bản thân công ty đã tự chủ được.

Hai là, tất cả thành viên trong gia đình đồng thời là chủ công ty đang rất đam mê với công việc này. Ba là, chúng tôi không có ý định kinh doanh bằng việc sử dụng đồng tiền huy động của người khác".

- Đối với công ty gia đình độ ổn định rất cao nhưng để có thể phát triển nhanh và mở rộng thì không thuận lợi lắm. Ông có nhận định như vậy?

- Thực ra điểm chinh phục của Minh Long I không phải là ở diện phủ sóng rộng mà là ở đỉnh cao. Cũng như cái tháp, càng cao thì càng hẹp lại và Minh Long I muốn hướng đến đỉnh cao đó. Nếu mở rộng, vừa không tạo được sự khác biệt, vừa không quản lý nổi và sẽ phá hỏng chính mình. Chủ trương của của công ty và cũng là của cha tôi từ trước đến giờ là sức đến đâu làm đến đó, chậm mà chắc để tránh tình trạng vỡ nợ như nhiều công ty khác bởi nôn nóng muốn đốt cháy giai đoạn - Lý Huy Sáng tâm sự.

Ông Lý Ngọc Minh còn chia sẻ một điều hết sức "gan ruột" và cũng là lý do quan trọng nhất để không đại chúng hóa công ty: “Tôi xem Công ty Minh Long I như đứa con do mình rứt ruột đẻ ra và nuôi nó lớn khôn. Vì vậy tôi không thể chia nó cho ai và cũng không để ai làm ảnh hưởng đến nó”.

Ông cho biết trong xu hướng sáp nhập, mua bán doanh nghiệp diễn ra ngày một mạnh mẽ, ông nhận được nhiều lời đề nghị góp vốn, tham gia vào công ty, nhưng đều từ chối, bởi ông muốn tiếp tục hành trình theo cách riêng của mình như đã chọn: chậm mà chắc.

Nói về tương lai, ông Lý Ngọc Minh cho biết ông không ngừng đeo đuổi, hướng tới đỉnh cao chất lượng, mặt khác hướng tới sự chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Điều ông ôm ấp thực hiện là mở cửa nhà máy để bất cứ khách hàng nào có nhu cầu đều có thể tham quan quy trình sản xuất sản phẩm từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối.

“Tận mắt thấy, tận tai nghe về những điều Minh Long I làm sẽ giúp mọi người hiểu và tin tưởng nhiều hơn ở Minh Long I”- ông Minh nói. Và, theo ông, “mở cửa nhà máy” sẽ đồng nghĩa với mở lòng đón nhận niềm tin.

Các tin khác