Công khai nhà thầu yếu kém

Nhiều ý kiến cho rằng để loại bỏ những nhà thầu kém năng lực, ngoài việc minh bạch thông tin năng lực trong hồ sơ dự thầu, cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư cũng cần xem xét lại những dự án mà đơn vị này đã từng tham gia trước đó. Bởi thực tế không ít nhà thầu trong và ngoài nước trước đó làm ăn bê bối nhưng sau đó vẫn trúng thầu do bỏ giá rẻ hoặc có “quan hệ đặc biệt” với cơ quan chủ quản của chủ đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng để loại bỏ những nhà thầu kém năng lực, ngoài việc minh bạch thông tin năng lực trong hồ sơ dự thầu, cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư cũng cần xem xét lại những dự án mà đơn vị này đã từng tham gia trước đó. Bởi thực tế không ít nhà thầu trong và ngoài nước trước đó làm ăn bê bối nhưng sau đó vẫn trúng thầu do bỏ giá rẻ hoặc có “quan hệ đặc biệt” với cơ quan chủ quản của chủ đầu tư.

Các đại gia bê bối

Người dân TPHCM gần 10 năm qua đã quá ngán ngẩm với sự ì ạch của dự án nâng cấp mở rộng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đến thời điểm này dự án đã cơ bản hoàn thành). Có thể nói nguyên nhân chính của sự chậm trễ này do nhà thầu là Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC) gây nên. Với năng lực yếu kém, nhưng CSCEC lại được thi công toàn bộ gói thầu này, đã không thể hoàn thành đúng thời hạn vào tháng 8-2009, phải trì hoãn nhiều lần.

Đến tháng 2-2010, CSCEC tiếp tục xin gia hạn tiến độ, song Ngân hàng Thế giới (WB - đơn vị tài trợ cho dự án) đã có văn bản chính thức yêu cầu cắt hợp đồng do phát hiện CSCEC liên quan đến vụ hối lộ trong một dự án cũng do WB tài trợ ở Philippines.

WB cũng đã ra quyết định cấm nhà thầu này tham gia tất cả dự án do WB tài trợ trên khắp thế giới. Điều đáng nói, UBND TPHCM đã nhiều lần yêu cầu xem xét và thay đổi nhà thầu khác để đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm trên, nhưng không hiểu vì sao CSCEC vẫn tiếp tục được thi công.

Không những vậy, nhà thầu này còn nổi tiếng với không ít vụ tai nạn lao động. Mới đây nhất là vụ sập giàn giáo kinh hoàng gây chết người tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Nội) tối 21-2.

Trước đó, tháng 9-2010, công trình do CSCEC thầu tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM) cũng đã xảy ra sập giàn giáo, hơn 200m2 sàn bê tông của Trung tâm thương mại Crescent đã bất ngờ đổ sập, gần 100 công nhân đang làm việc may mắn thoát chết. Nguyên nhân được xác định là do giàn giáo thi công của nhà thầu quá yếu.

Nhà thầu trong nước cũng chây ì không kém. Đơn cử là tòa nhà làm việc của Tổng Công ty Điện lực TPHCM trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1). Được biết đơn vị trúng thầu là một công ty xây dựng ở Hà Nội. Để được trúng thầu đơn vị này bỏ giá dự thầu rất thấp, nhưng khi trúng thầu thì thi công ì ạch và luôn đưa ra yêu sách để làm khó chủ đầu tư.

Tình trạng bê bối ở gói thầu này khiến tổng vốn đầu tư toàn dự án tăng vọt từ 200 triệu USD lên gần 320 triệu USD, làm tăng gánh nặng vốn vay ODA cho TPHCM. Còn tòa nhà làm việc của Tổng Công ty Điện lực TPHCM chậm trễ mất 2 năm và cuối cùng phải thay nhà thầu khác để thi công phần việc còn lại.

Tăng cường công tác giám sát

Các chuyên gia cho rằng để hạn chế những rủi ro từ nhà thầu kém năng lực cần phải lập “danh sách đen” những nhà thầu yếu kém về thực hiện công trình tại bất cứ dự án nào trên thế giới, để loại bỏ ngay từ đầu. Bên cạnh đó cũng cần lòng tốt… từ chủ đầu tư. Thực tế cho thấy có những công trình bê bối là do có sự “bắt tay” giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

Có những sai sót đã được giám sát chỉ ra nhưng chủ đầu tư vẫn yêu cầu nghiệm thu, cho qua. Ông Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM, cho rằng cần phải loại bỏ ngay từ đầu những nhà thầu kém năng lực. “Mánh” của những nhà thầu này là bỏ giá siêu rẻ để trúng thầu, sau đó thi công ì ạch, bê bối, rồi xin điều chỉnh tăng vốn dự án.

Hiện trường vụ sập giàn giáo xây dựng Trung tâm thương mại Crescent tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM).

Hiện trường vụ sập giàn giáo xây dựng
Trung tâm thương mại Crescent tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM).

Kỹ sư Trần Văn Vinh (Công ty Xây dựng số 5), cho rằng trên công trường, cán bộ tư vấn giám sát vừa thực hiện các nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật, đưa ra các chỉ dẫn, quyết định các giải pháp giúp nhà thầu giải quyết những vướng mắc kỹ thuật phát sinh, vừa thực hiện nhiệm vụ giám sát chất lượng công tác thi công của nhà thầu. Tư vấn giám sát cũng có trách nhiệm hướng dẫn nhà thầu làm các thủ tục thanh toán, quyết toán.

Công tác tư vấn giám sát như vậy vừa đòi hỏi sự sâu sát, mềm dẻo, hợp tác chặt chẽ với nhà thầu trong triển khai dự án, giải quyết các phát sinh, đưa dự án về đích đúng hạn. Công tác này có một nội dung cơ bản là thay mặt chủ đầu tư giám sát hoạt động xây dựng của nhà thầu trên công trường, nên yêu cầu khách quan, tính độc lập của tư vấn giám sát được đặt lên hàng đầu.

Do đó để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của an toàn lao động, đòi hỏi năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ tư vấn giám sát rất cao. Theo đó, để triển khai một dự án, nếu bước thiết kế cần 1 kỹ sư thiết kế, thì bước thi công muốn đảm bảo tốt cần có 1,5 đến 2 kỹ sư tư vấn giám sát.

Thực tế xây dựng công trình giao thông hiện nay, cần số lượng lớn cán bộ tư vấn giám sát. Song tìm được người đáp ứng yêu cầu rất khó và các doanh nghiệp tư vấn cũng không mấy mặn mà với các hợp đồng tư vấn giám sát, đặc biệt là các dự án vốn trong nước. Vì thế đã xảy ra tình trạng thiếu kỹ sư tư vấn giám sát tốt cho các dự án.

Do đó để các công trình xây dựng vận hành một cách “trơn tru”, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, đòi hỏi công tác tư vấn, giám sát phải nghiêm túc, công minh; đặc biệt phải chọn nhà thầu có năng lực, trình độ, kinh nghiệm và cương quyết loại bỏ những nhà thầu kém, có “vết nhơ”.

Các tin khác