“Vua tôm” Sáu Ngoãn

Vui vẻ, hoạt bát, chất phác, giản dị, phóng khoáng và tâm huyết với nghề nuôi tôm sú… đó là ấn tượng sâu sắc khi tiếp xúc với ông Võ Hồng Ngoãn (ảnh) - người có biệt danh là “vua tôm”. Ông có những đóng góp tích cực cho ngành thủy sản Việt Nam và tận tình truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhiều người nuôi tôm sú cùng làm, thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên làm giàu….

Vui vẻ, hoạt bát, chất phác, giản dị, phóng khoáng và tâm huyết với nghề nuôi tôm sú… đó là ấn tượng sâu sắc khi tiếp xúc với ông Võ Hồng Ngoãn (ảnh) - người có biệt danh là “vua tôm”. Ông có những đóng góp tích cực cho ngành thủy sản Việt Nam và tận tình truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhiều người nuôi tôm sú cùng làm, thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên làm giàu….

Thành công nuôi tôm sú sạch

Xuất thân trong một gia đình nông dân ở Bạc Liêu, tuổi thơ của Sáu Ngoãn trải qua nhiều nghề kiếm sống. Từ lơ xe, tài xế đến chăn nuôi bò, dê…

Năm 2001, ông bán hết đàn gia súc làm lưng vốn được trăm triệu đồng mua 3ha đất, rồi đào ao, lên liếp thành những vuông nuôi tôm sú. Mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm lại mù tịt về kỹ thuật, nên đàn tôm nuôi bị chết gần hết do dịch bệnh đốm trắng.

“Vạn sự khởi đầu nan”, Sáu Ngoãn không cam chịu, quyết chí tìm tòi, chịu khó học hỏi, thường xuyên theo dõi báo đài, tham khảo tài liệu cùng với sự giúp đỡ chí tình của các nhà khoa học, ông đã tìm ra được nguyên nhân cốt lõi truyền bệnh cho tôm sú là các loại tảo biển, giáp xác ký sinh trên các loại cua, còng biển. Khi tôm sú mang mầm bệnh này thì vô phương cứu chữa.

Sáu Ngoãn bắt tay vào cải tạo trang trại nuôi tôm sú của mình, thiết kế hai, ba ao lắng riêng biệt và hệ thống cấp, thoát nước liên hoàn có túi vải lọc để ngăn giáp xác xâm nhập; cải tiến máy sục khí để quạt nước tạo ôxy, không sử dụng kháng sinh mà sử dụng vi sinh và nuôi các loại cá chẻm, cá heo, cá chét biển… trong ao lắng để tiêu diệt các loại giáp xác, vi khuẩn tảo… Dù vậy vụ nuôi năm 2002, ông Sáu vẫn không có lãi.

Ông Sáu kể: “Với 4 vuông nuôi tôm, mỗi vuông tôi thả 40 con/m2. Trong quá trình nuôi, có một vuông bị cá tạp ăn hơn phân nửa tôm giống.

Nhưng thật bất ngờ, vuông này lại đạt sản lượng hơn 1,7 tấn tôm sú. Thế là tôi quyết định chuyển sang mô hình nuôi tôm thưa, với mật độ thả nuôi không quá 10 con/m2”.

Mô hình nuôi tôm sú mật độ thưa trong niên vụ 2003, ông Sáu Ngoãn đã thu hoạch được 15 tấn tôm sú thương phẩm, lãi ròng cả tỷ đồng. Nhờ đó, ông Sáu tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm sú lên hàng chục ha.

Trong quá trình nuôi, ông còn thử nghiệm cho tôm sú ăn ốc bươu vàng và đã thành công. Theo ông, bình quân 1,5-1,8kg thức ăn sẽ cho 1kg tôm sú thương phẩm. Nguồn thức ăn cho tôm chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm và thức ăn tự chế. Ông Sáu cho tôm ăn 4 lần/ngày.

Tôm nuôi 3-4 tháng, ông cho ăn ốc bươu vàng 2 lần/ngày. Ốc luộc chín lể lấy thịt hoặc ốc sống đập vỏ đem ngâm nước muối khoảng 10 phút cho sạch nhớt, diệt khuẩn và ký sinh, rồi rửa sạch lại bằng nước ngọt để cho tôm ăn.

Theo ông Sáu Ngoãn, thức ăn công nghiệp dễ tan trong nước khi tôm ăn thừa sẽ gây ô nhiễm môi trường, tạo mầm bệnh cho tôm, còn thịt ốc bươu vàng có chứa nhiều canxi - không tan trong nước, khi tôm ăn không hết sẽ tiếp tục ăn khi đói nên không gây ô nhiễm môi trường mà còn giúp tôm tăng trọng nhanh, cứng vỏ, chắc thịt và giảm được giá thành mua thức ăn.

Tấm lòng vì cộng đồng

Từ năm 2005 đến nay, trang trại nuôi tôm sú của ông Sáu Ngoãn là đầu mối tiêu thụ chủ yếu nguồn ốc bươu vàng làm thức ăn nuôi tôm sú và là nơi giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.

Vụ tôm năm 2011, nhiều vuông nuôi tôm ở trong tỉnh Bạc Liêu và các vùng ven biển lân cận như Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng… bị dịch bệnh, tôm chết hàng loạt, trong khi 15ha tôm nuôi của ông Sáu Ngoãn sau hơn 5 tháng đã thu hoạch được hơn 32 tấn tôm thương phẩm, giá bán bình quân 230.000 đồng/kg, trừ hết chi phí ông còn lãi gần 4 tỷ đồng.

Nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học trong và ngoài nước… đã tìm đến trang trại nuôi tôm sú của Sáu Ngoãn để tham quan, tìm hiểu đều hết lời khen ngợi, thán phục ông. Ông xứng được gọi là “vua tôm”.

Tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ công sức cho bà con quê mình. Tôi nghĩ việc làm của tôi chỉ là trách nhiệm và bổn phận của công dân đối với xã hội. Tôi xem niềm vui và hạnh phúc của mọi người cũng như niềm vui và hạnh phúc của chính mình.

“Vua tôm” VÕ HỒNG NGOÃN

Thành công trong nuôi tôm sú nhưng Sáu Ngoãn không hề giấu nghề mà luôn sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm và bí quyết về mô hình nuôi tôm sú sạch, bền vững cho mọi người. Đã có hàng trăm lượt cán bộ, sinh viên khoa nuôi trồng thủy sản  từ các trường đại học ở Cần Thơ, TPHCM, Bạc Liêu, Khánh Hòa… tìm đến trang trại nuôi tôm sú của ông học hỏi kinh nghiệm thực tế để làm luận án tốt nghiệp. Thậm chí, có người dọ ý mua "bản quyền"

 những sáng kiến, kinh nghiệm nuôi tôm sú sạch, bền vững của ông Sáu Ngoãn có doanh nhân gợi ý mua “bản quyền” với giá cao, nhưng ông không bán mà đem in thành tài liệu phát miễn phí cho người nuôi tôm sú.

Ông Sáu Ngoãn còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ nuôi tôm sú sạch thành công. “Vua tôm” đã đúc kết kinh nghiệm nuôi tôm sú một cách ngắn gọn “4 phải - 1 không”: Phải thật sự đam mê; phải biết lượng sức mình, định hướng và có kế hoạch; phải nắm vững kỹ thuật, uyển chuyển theo thời tiết từng vụ mùa; phải biết hạch toán lời - lỗ vì tôm chứ đừng vì mục đích khác; tuyệt đối không nuôi tôm cầu may.

Ngoài ra, ông Sáu Ngoãn còn có những phản biện sâu sắc và đề xuất xử lý nghiêm khắc đối với những DN thu mua tôm bơm tạp chất; đề ra giải pháp thiết thực và hiệu quả để tránh điệp khúc “mất mùa - giá cao”, “trúng mùa - rớt giá”…

“Vua tôm” Sáu Ngoãn còn được mọi người thương yêu bởi ông sống rất có tâm. Khi trở thành tỷ phú, ông Sáu vẫn thường xuyên trích từ nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng để làm việc thiện như làm cầu đường giao thông, xây trường học, cất nhà tình thương, tặng học bổng, hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập cho những học sinh nghèo hiếu học, giúp đỡ người nghèo khó, cơ nhỡ, bất hạnh…

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, cúp vàng… của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và UBND các cấp. Ông là người đầu tiên được Bộ Khoa học - Công nghệ tặng cúp vàng TechMart, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng Thương hiệu độc quyền “Trang trại nuôi tôm sú sạch Sáu Ngoãn - Việt Nam” và được Bộ Tài nguyên - Môi trường tặng cúp vàng và bằng khen về sáng tạo bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi tôm; Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam tặng thưởng bằng khen điển hình Lao động giỏi ngành thủy sản Việt Nam lần thứ nhất năm 2010…

Mới đây, trang trại nuôi tôm sạch của Sáu Ngoãn được trao tặng Cúp Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam lần 2-2011.

Các tin khác