Help Corporation - Trẻ nhưng không non

Không chỉ nung nấu khát vọng khởi nghiệp ngay khi còn là sinh viên khoa kỹ thuật hệ thống của Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, Tạ Minh Tuấn (ảnh), Chủ tịch sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Help Corporation - công ty tiên phong tại Việt Nam cung cấp dịch vụ bác sĩ gia đình - còn biến khát vọng ấy thành hiện thực từ bàn tay trắng.

Không chỉ nung nấu khát vọng khởi nghiệp ngay khi còn là sinh viên khoa kỹ thuật hệ thống của Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, Tạ Minh Tuấn (ảnh), Chủ tịch sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Help Corporation - công ty tiên phong tại Việt Nam cung cấp dịch vụ bác sĩ gia đình - còn biến khát vọng ấy thành hiện thực từ bàn tay trắng.

Vị mặn hạt cơm

 

Một chiều cuối năm 2007, Tuấn nghe tin cha mình mắc bệnh ung thư. Sốc là cảm giác đầu tiên đến với chàng thanh niên trẻ. Những ngày sau đó, không khí gia đình chùng xuống. Là con trai nhưng Tuấn không kiềm được nước mắt trong mỗi bữa cơm.

Cái vị mằn mặn nước mắt của chén cơm ấy đến bây giờ Tuấn vẫn còn nhớ rất rõ. Từ đó, căn bệnh ngặt nghèo của cha trở thành động lực thôi thúc Tuấn làm một cái gì đó liên quan đến ngành y. Nhưng cũng trong năm này Tuấn và bạn bè đã “lỡ” lên kế hoạch cho ra đời IDEE - công ty chuyên về truyền thông kỹ thuật số nên đành tạm gác ý định trên.

Xuất thân gia đình nhà giáo nghèo, nên khi cùng bạn bè thành lập IDEE, Tạ Minh Tuấn chỉ có trong tay 3 số 0 tròn trĩnh: không vốn, không mối quan hệ, không kinh nghiệm. Tuấn chấp nhận “tự bơi”, vừa xúc tiến công việc, vừa học.

Lần đầu gọi vốn, dù nỗ lực nhưng Tuấn chỉ kêu gọi được 300 triệu đồng và thời gian đầu IDEE không kiếm được hợp đồng nào. “Sau đó tôi mới nhận ra vấn đề mấu chốt: Người mới khởi nghiệp thường thích đưa ra thị trường những sản phẩm mới lạ, độc đáo, nhưng xa thực tế.

3 tháng  sau, Ban giám đốc IDEE đã nhận ra sai lầm và nhanh chóng điều chỉnh sản phẩm của mình. Kết quả là những hợp đồng đầu tiên được ký kết. Một thời gian sau IDEE đã có trong tay những khách hàng lớn như Samsung, Sony, Unilever…” - Tuấn nhớ lại thời khởi nghiệp.

Câu chuyện về IDEE chỉ là một phần trong hành trình thú vị của chàng doanh nhân trẻ 8x. Một năm sau ngày IDEE thành lập và hoạt động ổn định, Tuấn chỉ còn giữ vai trò cổ đông chiến lược. Lúc này Tuấn đã có chút ít kinh nghiệm kinh doanh và nhiều thời gian rảnh rỗi hơn.

Anh quyết tâm hiện thực hóa khát khao “làm cái gì đó” giúp đỡ những người mắc bệnh như cha mình. Sau quá trình tìm hiểu, Tuấn nhận ra bệnh ung thư và 80% căn bệnh khác có nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống, sinh hoạt… và có thể phòng ngừa. Tuấn quyết định làm y tế dự phòng với mô hình công ty bác sĩ gia đình. Help Corporation ra đời từ đó.

- Vì sao Tuấn quyết định chọn lĩnh vực này? - tôi thắc mắc.

- Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy 1 quốc gia đầu tư 1USD cho y tế dự phòng tương đương với một quốc gia đầu tư 20USD cho y tế chữa trị. Như vậy phòng bệnh rẻ hơn 20 lần so với chữa bệnh. Chính vì thế, hầu hết quốc gia phát triển trên thế giới đều đầu tư cho lĩnh vực này.

Riêng nước ta, dù còn nghèo, kinh tế khó khăn nhưng lại đầu tư chủ yếu vào y tế chữa trị. Hiện nay các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, khó chu đáo trong khâu khám chữa bệnh. Trong khi đó, bác sĩ gia đình có thể luôn theo sát mỗi bệnh nhân, trở thành tuyến chăm sóc ban đầu hữu hiệu. Đó là nghịch lý.

Ý tưởng là vậy, kế hoạch sơ bộ đã lên xong, nhưng triển khai như thế nào không phải đơn giản. Chán nản, nhiều lúc tôi đã muốn bỏ cuộc - Tuấn tâm sự.

Kết nối - bí quyết của Help

Từ IDEE, Tạ Minh Tuấn đã có trong tay kha khá mối quan hệ. Anh dành 1 tháng chỉ để đi chia sẻ kế hoạch của mình với người quen biết. Sau 1 tháng, Tuấn có được 20 người ủng hộ thực hiện ý tưởng. 3 tháng tiếp theo, Tuấn cùng cả nhóm bắt tay nghiên cứu thị trường.

Từ 500 người tham gia khảo sát, Tuấn phân tích thành dữ liệu, lấy đó làm cơ sở lập kế hoạch và chiến lược kinh doanh. Hệ thống phần mềm đánh giá hiệu quả làm việc, hệ thống chăm sóc khách hàng, hệ thống dự báo, sales, marketing lần lượt được hoàn thiện.

 Tạ Minh Tuấn (thứ 3 từ phải sang) tham gia BNI để chia sẻ thành công.

Tạ Minh Tuấn (thứ 3 từ phải sang) tham gia BNI để chia sẻ thành công. 

Với kinh nghiệm từ IDEE, lần này Tuấn huy động được 14 tỷ đồng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuấn chia sẻ: “Thành công của lần huy động vốn này là sự kết nối từ những mối quan hệ bắc cầu qua những người mình đến làm việc. Cụ thể, khi đến với một nhà đầu tư để gọi vốn dù nhà đầu tư ấy đồng ý tham gia hay không, tôi đều đề nghị họ giới thiệu giúp 3 người có thể phù hợp với dự án này.

Từ 1 có thêm 3… cứ như thế 14 tỷ đồng đã đến với dự án công ty bác sĩ gia đình sau một thời gian kiên trì". Những tưởng mọi việc bắt đầu suôn sẻ, đến lúc có vốn Tuấn lại đứng trước những trở lực mới. Tuấn và đồng nghiệp chọn nhầm nhà đầu tư và phải chật vật cứu Help khỏi chết từ trong trứng nước.

Mặt khác, do còn trẻ và không có chuyên môn ngành y nên việc mời các bác sĩ có uy tín tham gia hết sức gian nan. Tuấn đã thử áp dụng kinh nghiệm từ lần huy động vốn thành công và mời được 25 bác sĩ từ các bệnh viện lớn về hợp tác. Sau đó, Tuấn phải giải quyết vấn đề kế tiếp là “đối nhân xử thế” trong cương vị lãnh đạo đội ngũ chuyên môn.

Đầu năm 2010, Help hoạt động thử nghiệm, cuối năm chính thức ra đời. Nhớ lại khoảng thời gian này, Tuấn tâm sự như đúc kết: “Khi không có chuyên môn, lại trẻ tuổi và thiếu vốn, muốn thành công mình phải biết phát triển năng lực lãnh đạo giúp khỏa lấp những khiếm khuyết”.

Chia sẻ thành công

Nhưng sau khi Help ra đời, việc tìm những khách hàng đầu tiên không hề đơn giản. Xưa nay mọi người vẫn nghĩ có một bác sĩ riêng chỉ phù hợp với gia đình giàu có, trong khi mức phí cho 1 gói tầm soát bệnh tật khoảng 5 triệu đồng/người/năm là không cao.

Ban giám đốc của Help phải chọn cách lấy ngắn nuôi dài, cố gắng chăm sóc tốt những khách hàng ít ỏi ban đầu, từ kết quả thực tế đó đã từng bước thay đổi nhận thức của mọi người. Rồi khách hàng đầu tiên - những người hiểu về giá trị của việc tầm soát bệnh - đã đến với Help.

Từ sự chăm sóc theo hình thức mới của Help, họ được cải thiện tình trạng sức khỏe và luôn được tầm soát để phòng ngừa những căn bệnh khác. Chính những khách hàng này làm marketing bằng cách truyền miệng khá hiệu quả cho Help. 

Help Corporation - Trẻ nhưng không non ảnh 3Nếu chỉ quen 5 người mà cả 5 đều lắc đầu với dự án sẽ rất dễ chán nản, có thể đi vào bế tắc. Kinh nghiệm cho thấy đó là do mình chưa biết cách khai thác thêm những mối quan hệ mang tính “bắc cầu”. Nhưng quan trọng nhất, khi gọi vốn chúng tôi phải dùng cả tấm lòng cùng với những kế hoạch khả thi, được nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ để thuyết phục các nhà đầu tư.
Help Corporation - Trẻ nhưng không non ảnh 4

Anh TẠ MINH TUẤN,
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành
Help Corporation

Mặc dù còn là một doanh nghiệp non trẻ, song Help Corporation đã nhận được 3 vinh dự lớn. Năm 2009, Help được vườn ươm doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao TPHCM đưa vào chương trình ươm. Nhờ tự thân vận động đi đến thành công, Help vào sau nhưng là đơn vị đầu tiên tốt nghiệp ở vườn ươm. Help nằm trong danh bạ doanh nghiệp y dược chất lượng cao do Bộ Y tế phát hành.

Trong năm nay, Help trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp xã hội tiêu biểu của giải thưởng Sao Vàng Đất Việt do Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam tổ chức. Đây là giải thưởng dành cho 10 doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Với những thành quả đạt được, Tuấn kỳ vọng có thể nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên cả nước. Chính vì thế, việc hiện có nhiều doanh nghiệp ra đời sau cùng làm theo mô hình này khiến anh thấy vui hơn là lo sợ cạnh tranh.

Trong câu chuyện với doanh nhân Tạ Minh Tuấn, tôi luôn nhận thấy một bầu nhiệt huyết và sẵn sàng sẻ chia thường có ở người trẻ. Bận bịu với công việc và những ý tưởng kinh doanh, nhưng từ năm 2009 Tuấn vẫn cùng một số bạn bè thành lập quỹ “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, chuyên giúp đỡ những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Anh đã tham gia vào tổ chức BNI (Business Network International) - hệ thống trợ lực kinh doanh cho doanh nhân toàn cầu, hiện có gần 100.000 hội viên ở 80 quốc gia - do triết lý “cho là nhận” của BNI phù hợp với ý tưởng mang tên công ty Help. Tuấn thành lập chi hội thứ 5 của BNI tại Việt Nam (Master Chapter).

Trong năm đầu Tuấn đã đưa chi hội này thành Master Chapter có tốc độ phát triển nhanh nhất của BNI Việt Nam. Sau một thời gian, người thanh niên trẻ tuổi nhất của Master Chapter Việt Nam được bầu vào vị trí chủ tịch. Với Help, Tuấn chỉ là lãnh đạo của nhân viên, nhưng với chi hội Tuấn trở thành lãnh đạo của những người lãnh đạo.

Dù còn rất nhiều điều muốn hỏi về tương lai của Help, nhưng suốt cuộc trò chuyện Tuấn thường bị ngắt quãng bởi những cú điện thoại công việc, tôi chủ động kết thúc bằng câu hỏi: Anh có bận lắm không? “Những người luôn nói bận có lẽ do chưa biết sử dụng quỹ thời gian hợp lý mà thôi” - Tuấn đáp.

Các tin khác