Khát vọng trên đất khách

Một buổi tối trung tuần tháng 8 tại hội trường East India của khách sạn Raffles Singapore, lễ khai trương kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT-IS) diễn ra trong không khí trang trọng và ấm cúng. Chương trình văn nghệ có các vũ công Việt Nam sang. Khách mời rất thích thú với tiếng đàn bầu điêu luyện của một nghệ sĩ đến từ quê nhà thể hiện bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt Nam.

Một buổi tối trung tuần tháng 8 tại hội trường East India của khách sạn Raffles Singapore, lễ khai trương kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT-IS) diễn ra trong không khí trang trọng và ấm cúng. Chương trình văn nghệ có các vũ công Việt Nam sang. Khách mời rất thích thú với tiếng đàn bầu điêu luyện của một nghệ sĩ đến từ quê nhà thể hiện bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt Nam.

Tìm thị phần xứ người

Nghi thức cắt băng khánh thành được tiến hành có sự tham gia của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu và Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi trong buổi lễ này không phải là những hình ảnh hào nhoáng mà chính là người thanh niên tuổi trên dưới 30, vóc dáng nhỏ nhắn, tiếng Anh lưu loát, thái độ niềm nở với nụ cười luôn trên môi.

Anh tên là Trần Tuấn Phong, Giám đốc FPT-IS tại Singapore, doanh nghiệp mới ra đời thuộc sở hữu của Tập đoàn FPT hoạt động theo luật Singapore với số vốn ban đầu 500.000USD.

Tác giả (bìa phải) cùng đồng nghiệp Singapore trong một chuyến công tác liên quan đến một dự án giáo dục tại thủ đô Hà Nội.

Tác giả (bìa phải) cùng đồng nghiệp Singapore trong một chuyến công tác liên quan đến
một dự án giáo dục tại thủ đô Hà Nội.  

Khi bắt tay chào hỏi, Phong cho tôi biết anh đã có mặt tại Singapore từ hơn 3 năm nay để thành lập văn phòng đại diện FPT-IS. Được đào tạo bài bản sau 7 năm sinh sống và học tập tại Anh, ngay sau khi bước chân lên đảo Sư tử, Phong nhanh chóng tiếp cận và kết nối với nhiều khách hàng quan trọng như HP, Orange, Microsoft, TFS...

Anh cùng đồng nghiệp tiến hành  các dự án thuê ngoài công nghệ thông tin (IT Outsourcing) và cung cấp các kỹ sư có trình độ chuyên môn cao để triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin hoặc vận hành, quản trị các hệ thống từ xa cho khách hàng quốc tế.

Phong không muốn nói nhiều về mình mà chỉ say sưa nói về các dự án tiêu biểu chuyển đổi hệ thống phần mềm email từ Lotus Note sang Exchange hỗ trợ trên 900 người sử dụng của Sàn Giao dịch chứng khoán Singapore.

Rồi các dự án về ERP (Enterprise Resources Planning - Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) như bảo trì ứng dụng SAP (AMS - Application Maintance Service) với các khách hàng lớn như Tyco Global, Brenntag, Hitachi Roll-out.

Theo đánh giá của Phong, Singapore là một trong những điểm kết nối thị trường quan trọng nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu hóa của tổng công ty.

Giờ đây, với  pháp nhân của một công ty có trụ sở kinh doanh tại Singapore, FPT-IS sẽ tiếp cận gần hơn với khách hàng bản địa, trong đó dịch vụ công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng 40% với tổng kim ngạch 2,7 tỷ USD vào năm 2014. Phong tiết lộ FPT-IS Singapore sẽ trực tiếp tham gia đấu thầu và hướng đến tổng thầu các dự án tích hợp và ERP lớn trong khu vực, đặc biệt là ở những lĩnh vực thế mạnh truyền thống như ngân hàng, viễn thông, dầu khí, tài chính công.

Đây là quyết tâm của Tập đoàn FPT trong việc tạo nên một làn sóng xuất khẩu mới trong chiến lược toàn cầu hóa, xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt ở nước ngoài.

Cuộc gặp gỡ ấn tượng nói trên và những chia sẻ của Giám đốc FPT-IS Trần Tuấn Phong thật sự là niềm khích lệ và động viên tinh thần cho bản thân tôi, một doanh nhân người Việt đang phải cố gắng tồn tại và khẳng định mình nơi đất khách quê người.

Hình ảnh trẻ trung của Phong làm cho tôi hồi tưởng lại những ngày này cách đây đúng 14 năm. Khi đó, tuổi chưa tròn 28, với hành lý nặng 60 ký, tôi bước lên chuyến bay VN741 của Hàng không Việt Nam để sang Singapore làm Trưởng đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng thương mại đối ngoại hàng đầu của ta lúc bấy giờ.

Trình độ tiếng Anh của tôi lúc đó có lẽ không bằng Phong hay các bạn trẻ được đào tạo bài bản như bây giờ mà chỉ đủ để giao tiếp và xử lý các công việc liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng. Nhưng vũ khí giúp tôi “chiến đấu” vào thời điểm đó có lẽ là khát vọng cống hiến vì sự nghiệp của ngân hàng mà mình có niềm vinh dự và tự hào được phục vụ.

Tự thân lập nghiệp

Nhiệm vụ của tôi đến Singapore khi đó là tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác với các định chế tài chính ngân hàng nước ngoài, giải quyết các vướng mắc về thanh toán và cung cấp thông tin cho khách hàng tại Singapore và các nước trong khu vực.

Vì một số lý do chủ quan và khách quan, tôi đành phải chia tay với Vietcombank để ở lại Singapore tiếp tục chương trình cao học về nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore mà trước đó tôi là sinh viên bán thời gian. Vừa học vừa làm, tôi lăn lóc với đủ nghề, từ tiếp thị và bán sản phẩm Việt Nam như bánh kẹo, chả giò và cà phê đến tư vấn bảo hiểm, bất động sản, tư vấn du học hay dịch thuật…

Sau khi tốt nghiệp với bằng thạc sĩ, tôi làm việc cho nhiều tổ chức tài chính và công ty tại Singapore và cuối cùng mở một doanh nghiệp tư vấn nhỏ. Có những đêm tôi trằn trọc và ngậm ngùi suy ngẫm về mục tiêu và sứ mệnh cao cả của mình đã đặt ra từ lúc chân ướt chân ráo có mặt trên hòn đảo Sư tử trong khi chuyện ưu tiên hàng đầu vẫn phải làm là đảm bảo kinh tế gia đình, ổn định nơi ăn chốn ở và chuyện học hành cho con cái.

Nhưng có lẽ khát vọng âm ỉ và cháy bỏng đó đã lại bùng lên khi những doanh nghiệp lớn bé mà tôi cùng thành lập với đối tác hay các dự án phục vụ khách hàng đều bắt đầu bằng chữ V và ít nhiều liên quan đến giáo dục hay quảng bá cho hình ảnh Việt Nam.

Gặp lại Phong lần thứ hai trong buổi chiêu đãi nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2-9 do Đại sứ quán nước ta tại Singapore tổ chức, tôi không ngần ngại chia sẻ những quan điểm về hình thức kinh doanh và cách tiếp cận khách hàng ở Singapore.

Giải đáp thắc mắc của tôi về những chữ viết tắt của tên doanh nghiệp, Phong giải thích rằng FPT trước đây là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực - thực phẩm với tên giao dịch tiếng Anh là Food Processing Technology (Công nghệ Chế biến thực phẩm).

Sau đó, công ty đổi tên thành Financing Promoting Technology (Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ). Tôi nói vui với Phong rằng tôi nhìn FPT với một góc độ khác: F là viết tắt của từ Faith trong tiếng Anh có nghĩa là sự trung thành, lòng chung thủy.

Cả Phong và tôi đều là người Việt nên đều có chung một điểm là khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước. P là viết tắt của từ Professionalism tức là tính chuyên nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Nói cách khác, doanh nghiệp của Phong và tôi có lấy được hợp đồng từ khách hàng là do khẳng định được tài năng chuyên môn chứ không phải là quan hệ hay thân thế gì cả. Và cuối cùng T là viết tắt của chữ Trust, tức là xây dựng được niềm tin của con người với con người, từ quan hệ đồng nghiệp trong công ty, giữa cấp trên và cấp dưới đến sự tin cậy của khách hàng.

Nếu kết hợp được ba yếu tố F-P-T nói trên, cho dù thực tế thử thách như thế nào, doanh nghiệp sẽ thành công, biến khát vọng của mình thành hiện thực.

Các tin khác