Người phá bỏ định kiến

Đặt chiếc điện thoại di động đang cầm trên tay xuống bàn, tựa người vào ghế, ông Dương Ngọc Minh (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Hùng Vương (HVG), với trang phục áo sơ mi quần jean, chẳng có vẻ gì là ông chủ của một doanh nghiệp lớn. Liếc nhìn chiếc điện thoại của ông, ối trời, một chiếc Nokia cũ mèm từ thời nào, tôi không khỏi ngạc nhiên, muốn hỏi sao ông không đổi điện thoại khác. Nhưng mới bắt đầu câu chuyện mà hỏi vậy có vẻ quá sỗ sàng, thôi thì đánh dấu ghi chú và sẽ tìm câu trả lời lúc thích hợp.

Đặt chiếc điện thoại di động đang cầm trên tay xuống bàn, tựa người vào ghế, ông Dương Ngọc Minh (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Hùng Vương (HVG), với trang phục áo sơ mi quần jean, chẳng có vẻ gì là ông chủ của một doanh nghiệp lớn. Liếc nhìn chiếc điện thoại của ông, ối trời, một chiếc Nokia cũ mèm từ thời nào, tôi không khỏi ngạc nhiên, muốn hỏi sao ông không đổi điện thoại khác. Nhưng mới bắt đầu câu chuyện mà hỏi vậy có vẻ quá sỗ sàng, thôi thì đánh dấu ghi chú và sẽ tìm câu trả lời lúc thích hợp.

Một thời chìm nổi

 

“HVG thành lập ngày 27-9-2003, sau 8 năm hoạt động, số lao động từ 300 đã lên trên 12.000, tổng doanh thu trên 800 triệu USD. Trong nửa đầu năm 2011 đã đạt doanh số 3.700 tỷ đồng”. Mở đầu câu chuyện, ông Dương Ngọc Minh tóm tắt thật ngắn gọn quá trình hoạt động và thực lực của HVG.

Nhưng để có được sự thành công trong xây dựng và phát triển HVG như vậy, trước đó ông đã trải qua nhiều gian truân, vấp ngã và thậm chí phải trả giá đắt. Cuộc đời và sự nghiệp của ông Dương Ngọc Minh như một cuốn phim ly kỳ nhiều kịch tính. Tay trắng làm nên sự nghiệp, rồi lại trắng tay.

Từ một giám đốc doanh nghiệp nhà nước, rồi bị tù tội, trở về làm lại từ đầu, trở thành giám đốc doanh nghiệp tư nhân thành đạt. Một cuộc đời có lúc tưởng chừng bế tắc, đến mức không thể nào gượng dậy nổi, vậy mà nay lại rất hanh thông.

Sau ngày giải phóng, Dương Ngọc Minh tham gia Thanh niên xung phong xây dựng vùng Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, TPHCM). Ở nơi heo hút đó, Nông trường Duyên Hải đã được thành lập, áp dụng thí điểm mô hình nuôi tôm, lấy thu bù chi.

Được bổ nhiệm làm phó giám đốc nông trường phụ trách sản xuất kinh doanh, Dương Ngọc Minh tập hợp đội ngũ cộng sự, tiến hành cải tạo môi trường sản xuất, rồi mới tích nước nuôi tôm, tìm nguồn giống đảm bảo chất lượng, thức ăn phù hợp. Do vậy, trong lúc người nuôi tôm ở địa phương chỉ thu hoạch mỗi tháng 1 lần, nông trường đã thu hoạch hàng ngày bằng nò.

Đến năm 1984, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Công ty Đông lạnh Hùng Vương - một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TPHCM. Công ty đã nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu USD/năm.

Nhưng đến năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trở nên quá sức chi trả, công ty vỡ nợ, phá sản. Giám đốc Dương Ngọc Minh phải ra tòa và nhận án tù vì tội gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Trong tù, với đầu óc của một người quen việc quản lý kinh doanh, ông đã có những đề xuất tạo việc làm để phạm nhân có sản phẩm và thu nhập. Do vậy ông được xét ân giảm, ra tù trước thời hạn. Trở về, ông quyết chí trở lại thương trường, vươn lên bằng nghị lực, bản lĩnh và tâm huyết.

Quý ý chí sắt đá đó nên một số bạn bè cũ của ông đã hết lòng tương trợ, giúp vốn để ông lập kho bãi đông lạnh cho thuê. Nhờ kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm trong ngành và nhạy bén nắm bắt thời cơ, ông giành được những thành công ban đầu, mở ra nhiều triển vọng. Trên thương trường đã có những người từ hai bàn tay trắng trở thành tỷ phú, cũng có những người gầy dựng lại được cơ nghiệp sau khi trắng tay, nhưng quả thật rất hiếm người từng rơi vào vòng tù tội, coi như đã chìm tận đáy xã hội mà có thể vươn lên như ông Dương Ngọc Minh.

Ông đã phá bỏ định kiến, nghi hoặc của một người từng tù tội để làm lại cuộc đời và đã thành công. Năm 2003, ông thành lập HVG tại Tiền Giang. Mặc dù đã quen với con tôm nhưng ông quyết định chọn sản phẩm chủ lực của HVG là cá tra.

Ông lý giải: “Mình là doanh nghiệp mới, ít vốn. Với lại tôm theo vụ, còn cá có quanh năm. Năm 2003, lúc đó giá thành cá tra chưa tới 7.000 đồng/kg, hướng tương lai rộng mở”.

Đổi đời con cá tra hầm

Khi HVG mới đi vào sản xuất, ông Dương Ngọc Minh so sánh, cân nhắc: Với cá tra nuôi bè, để có 1kg phi lê phải sử dụng 3,7kg cá nguyên liệu, trong khi với cá tra nuôi ao, hầm chỉ cần 3,3kg cá nguyên liệu. Năm 2004 giá thu mua cá tra nuôi bè 10.000 đồng/kg, trong khi cá tra nuôi ao chỉ 8.000 đồng/kg.

CTCP Hùng Vương có 6 nhà máy chế biến cá, khả năng xử lý 1.000 - 1.100 tấn nguyên liệu/ngày.

CTCP Hùng Vương có 6 nhà máy chế biến cá, khả năng xử lý 1.000 - 1.100 tấn nguyên liệu/ngày. 

Thời điểm đó vẫn có nhiều doanh nghiệp thủy sản cho rằng cá tra nuôi bè mới đạt chất lượng tốt, không bị hôi bùn, nhưng thực tế nếu cá nuôi hầm xử lý nước tốt cũng không bị hôi bùn, mà chất lượng màu sắc tốt hơn, hệ số chế biến hay giá thành đều tốt hơn cá nuôi bè.

Vì vậy HVG âm thầm chuyển hướng nuôi, thu mua cá ao trong lúc các doanh nghiệp khác nuôi và thu mua cá bè. Nhìn trước, đi trước, HVG tích lũy lợi nhuận và có nhiều vốn để phát triển. Trong 8 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của HVG tăng từ 800.000USD (năm đầu tiên) lên trên 200 triệu USD.

Ông Dương Ngọc Minh nhớ lại: “Trong một hội nghị, tôi phát biểu rằng cá nuôi bè dần dần sẽ bị thu hẹp do chi phí giá thành cao, chất lượng thấp, nhưng một số địa phương không nghĩ như vậy. Đến nay điều này đã thành sự thật, ở ĐBSCL xu thế nuôi ao đã thắng”.

Ông đã phá bỏ định kiến về con cá tra nuôi ao, nâng cao giá trị kinh tế loài thủy sản này. Và điều đặc biệt con cá tra nuôi ao có thể nuôi ở bất cứ vùng nước nào ở ĐBSCL, không lệ thuộc vùng nước các con sông lớn như nuôi cá bè.

Từ lúc thành lập HVG, ông Dương Ngọc Minh đã chủ động tìm hướng đi riêng. HVG tự nghiên cứu và sản xuất thức ăn cho cá, không bán ra thị trường mà chỉ cung cấp cho các ao cá của công ty, mỗi năm khoảng 220.000 tấn.

Thức ăn sử dụng nguyên liệu chính phẩm, trong đó bánh dầu đậu nành (nhập từ Nam Mỹ) 35-42%, bột cá 5-7% và thuốc bổ sung, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, chất lượng cá cũng tốt hơn. HVG hiện có diện tích nuôi cá trên 400ha, dự kiến sản lượng năm 2011 đạt 200.000 tấn cá.

Đến nay HVG có 6 nhà máy chế biến cá, gồm 12 phân xưởng, công ty hoàn toàn chủ động nguyên liệu sản xuất, khả năng xử lý từ 1.000-1.100 tấn nguyên liệu/ngày. Để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu nước ngoài, HVG có đầy đủ lý lịch truy xuất nguồn gốc từ con giống, thức ăn, nơi nuôi, chế biến.

Nhận thấy đầu tư kho lạnh cho thuê có lợi nhuận cao, chỉ sau 2 năm đã có thể thu hồi vốn nên từ năm 2005 HVG đã đầu tư vào lĩnh vực này. HVG hiện sở hữu kho lạnh 42.000 tấn ở TPHCM - lớn nhất và hiện đại nhất nước - giúp giảm giá thành và chủ động trữ hàng xuất khẩu (trong kho lạnh lúc nào cũng đảm bảo dự trữ khoảng 10.000 tấn cá), đồng thời kinh doanh cho thuê, mỗi tháng thu bình quân 8 tỷ đồng.

Nhờ chủ động trong tất cả các khâu, nên HVG ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường, dám ký những hợp đồng lớn và dài hạn 6 tháng đến 1 năm. Công nhân HVG thu nhập theo năng suất, bình quân trên 5 triệu đồng/tháng, người làm giỏi có thể đạt 7-8 triệu đồng.

Nguyên tắc "3 ưu tiên"

Người phá bỏ định kiến ảnh 3Thực tế đã chứng minh doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, vấn đề là phải có chính sách khả thi về tài chính, thương mại, tạo điều kiện thúc đẩy mở rộng thị trường... Doanh nghiệp nước ngoài thao túng được ngành thức ăn chăn nuôi là do họ mạnh hơn về tài chính. Không phải doanh nghiệp Việt Nam không biết kinh doanh và tiếp thị, mà là "sức chịu đựng" còn hạn chế khi có biến động thị trường. Mặt khác còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ lo chạy theo lợi nhuận, không coi trọng chất lượng nên bị người ta giành lấy thị trường. 
Người phá bỏ định kiến ảnh 4

Ông DƯƠNG NGỌC MINH,
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
CTCP Hùng Vương

Dương Ngọc Minh còn thể hiện rõ bản lĩnh khi vực dậy những doanh nghiệp gặp khó khăn. Công ty Lâm Thủy sản Bến Tre (Faquimex) 2 năm lỗ trên 230 tỷ đồng nhưng ông vẫn quyết định mua lại phần thoái vốn 2,9 triệu CP trong tổng số 5 triệu CP của Nhà nước vào tháng 5-2011.

Trong ván cờ này, ông tính toán: “Faquimex lỗ vì ban lãnh đạo thiếu quyết tâm. Nếu xét kỹ sẽ thấy Faquimex sở hữu hơn 1.000ha đất nuôi tôm, 100ha đất nuôi cá, đó là một nguồn tài nguyên hiếm có trong thời buổi hiện nay”. Ông Dương Ngọc Minh đã vạch chiến lược củng cố và phát triển Faquimex.

Hiện tại, đợt thu hoạch 250 ao tôm từ ngày 25-8 đến cuối tháng 10 sẽ mang lại hơn 1.600 tấn tôm, ước tính lợi nhuận năm 2011 của Faquimex đạt trên 60 tỷ đồng. Số lao động tăng từ 300 lên 700 người, thu nhập bình quân tăng từ 3 triệu lên 3,5 triệu đồng/tháng. Ngày 15-9-2011, cơ sở sản xuất con giống đi vào hoạt động với 500 cặp tôm bố mẹ nhập từ Hawaii (Hoa Kỳ), thực hiện mục tiêu sản lượng 20 tỷ con tôm giống phục vụ vùng nuôi thâm canh 1.000ha ở Bến Tre vào năm 2012.

Giống tôm thẻ chân trắng không nhập từ Thái Lan hay Trung Quốc mà nhập từ Hawaii vì có lý lịch rõ ràng và khả năng kháng bệnh đã được Viện Nghiên cứu Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận.

Thực hiện nguyên tắc “3 ưu tiên”: hệ thống nuôi trồng, con giống phòng chống dịch bệnh, nguồn thức ăn riêng cho tôm, nên cùng với việc xây dựng hệ thống nuôi trồng và đảm bảo nguồn cung con giống, ông Dương Ngọc Minh lựa chọn đầu tư vào CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, nâng sản lượng từ 7.000 lên 26.000 tấn/tháng, biến Việt Thắng thành một công ty thức ăn chăn nuôi hàng đầu thị trường, hoàn toàn chủ động trong vấn đề phân phối, cạnh tranh được với các công ty nước ngoài như CP, Cargill.

Để đảm bảo chất lượng, Việt Thắng sử dụng 100% bánh dầu đậu nành nhập từ Nam Mỹ. Ông Dương Ngọc Minh áp dụng chiến thuật “lì đòn”: Năm 2009 chấp nhận đầu tư vào Việt Thắng 250 tỷ đồng mà chỉ đạt lợi nhuận 28 tỷ đồng, HVG còn hỗ trợ nhập nguyên liệu giá gốc. Sang năm 2010, cũng vậy, đầu tư vào Việt Thắng 300 tỷ đồng lợi nhuận chưa được 40 tỷ đồng.

Kết quả đến nay, trên thị trường thức ăn cho cá, HVG đã chiếm trên 25% thị phần. Như vậy, rõ ràng chiến lược không chạy theo lợi nhuận, tập trung củng cố và phát triển chất lượng đã bước đầu thành công.

“Anh có chơi môn thể thao nào để rèn sức khỏe cho những cuộc đấu căng thẳng trên thương trường?”- tôi hỏi. “Cũng không có gì đặc biệt, mỗi ngày rảo quanh các phân xưởng chắc cũng tương đương tập đi bộ trong 2 tiếng, coi như sức khỏe dẻo dai. Rảnh thì ra vườn tưới cây, để thư giãn thôi - vì cây trong vườn cũng chẳng phải loại đắt tiền”.

Sẵn đó, tôi hỏi về chiếc điện thoại, ông cười: “Xài gần chục năm rồi vẫn nghe, gọi tốt, cứ đến Tết lại đem ra tiệm đổi vỏ, là có điện thoại mới. Trong sản xuất kinh doanh mình phải luôn năng động, bắt kịp yêu cầu thị trường, nhưng trong cuộc sống riêng tư đâu cần phải chạy theo thị hiếu”.

Hoạt động có hiệu quả, cùng với việc mang về ngoại tệ cho đất nước, nộp ngân sách, tạo việc làm cho người lao động, HVG còn đóng góp cho các chương trình xã hội từ thiện trên 20 tỷ đồng, xây dựng trên 100 căn nhà tình nghĩa, gần 500 căn nhà tình thương. Tết Nguyên đán năm rồi, HVG tặng 500 phần quà tổng trị giá 1,5 tỷ đồng cho 500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ đầu năm đến nay, HVG hỗ trợ trên 1 tỷ đồng học bổng cho học sinh nghèo ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Các tin khác