Siết tỷ lệ an toàn dư nợ cho vay

Cuối tuần qua, NHNN đã ban hành dự thảo Thông tư quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định mới này tiếp tục siết tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, giới hạn cấp tín dụng và góp vốn mua cổ phần của các NHTM.

Cuối tuần qua, NHNN đã ban hành dự thảo Thông tư quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định mới này tiếp tục siết tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, giới hạn cấp tín dụng và góp vốn mua cổ phần của các NHTM.

Cho vay chứng khoán không quá 3% vốn tự có

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo thông tư mới là việc giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD. Theo đó, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 3% vốn tự có của NH, chi nhánh NH nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của NHNN, hiện nay dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các NHTM nhà nước khoảng 2,5% vốn tự có, NHTM cổ phần  4,5%, chi nhánh NH nước ngoài 1,9% với tổng dư nợ cho vay hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo NHNN, thực hiện Nghị định 141 về mức vốn pháp định của TCTD, cơ bản đến ngày 31-12-2010 TCTD phải đảm bảo có đủ mức vốn pháp định, trong đó NHTM phải có tối thiểu 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Vì vậy, với tỷ lệ giới hạn 3% là phù hợp với tình hình thực tế và việc mức vốn tự có sẽ tăng lên khi có đủ mức vốn pháp định, sẽ vẫn đảm bảo an toàn cho TCTD trong hoạt động cấp tín dụng, không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, số dư cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu sẽ cao hơn hiện nay.

Tuy nhiên, do tính chất rủi ro cao, để bảo đảm an toàn trong hoạt động, khoản 3 điều 15 của dự thảo thông tư mới quy định các điều kiện khắt khe hơn, đặc biệt yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn phải từ 10% trở lên.

Việc cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu được siết lại. Ảnh: LÃ ANH

Việc cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu được siết lại. Ảnh: LÃ ANH

Theo một phó tổng giám đốc ACB, dự thảo quy định cụ thể theo hướng siết chặt các hoạt động cấp tín dụng cho khu vực phi sản xuất, đặc biệt cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Thí dụ quy định NHTM, chi nhánh NH nước ngoài không được cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu giấy tờ có giá để khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Có thể NHNN lo ngại trường hợp chiết khấu có thời hạn sẽ xảy ra rủi ro giữa kỳ hạn chiết khấu và thời hạn mà khách hàng sử dụng tiền chiết khấu để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Tuy vậy, hoạt cho vay vẫn được NHNN cho phép dưới hình thức bảo lãnh vay vốn đầu tư. Ngoài ra, điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, đáng chú ý là quy định TCTD phải có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 3% và trích lập đủ số tiền dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật; trước và sau khi cấp tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả, có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10% trở lên.

Cũng theo dự thảo thông tư, các TCTD được phép góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng... nhưng phải nắm giữ số cổ phần này tối thiểu 3 năm. Ngoài ra, NHTM (bao gồm các công ty con, công ty liên kết với NH) chỉ được phép mua, nắm giữ cổ phiếu của tối đa 2 TCTD.

Không nới hạn mức tín dụng

Nhiều NHTM cho biết về cơ bản dự thảo thông tư mới không có nhiều thay đổi so với các văn bản trước đó quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tài sản có rủi ro. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cũng được giữ nguyên ở mức 80% đối với NHTM, chi nhánh NH nước ngoài và 85% với công ty tài chính.

Trong khi trước đó đã có nhiều kiến nghị nên bỏ việc quản lý tín dụng bằng hạn mức. Tuy nhiên, theo NHNN đây là tỷ lệ được các nước sử dụng khá phổ biến để kiểm soát tính thanh khoản của TCTD (Hàn Quốc 110,4%; Trung Quốc 75%; Indonesia 75-102%; Philippines 75%). Ngoài việc sử dụng tiền gửi để cho vay, thông tư quy định các TCTD vẫn phải trích lập các khoản dự phòng, các tỷ lệ đảm bảo an toàn khác.

Về quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn thông tư cho phép công ty tài chính được nâng tỷ lệ từ 30% lên 40%, trong khi vẫn quy định các NHTM không quá 30%. Theo NHNN, hiện một số NHTM chưa có sự quản lý tốt giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, dẫn đến ký quá nhiều cam kết tín dụng, hợp đồng tín dụng, trong khi nguồn vốn để thực hiện không đáp ứng đủ hoặc có rủi ro về kỳ hạn.

Các NHTM này khi gặp khó khăn về nguồn vốn, phải đi vay TCTD khác trên thị trường liên ngân hàng, làm gia tăng lãi suất cho vay, huy động… ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ. Vì vậy, dự thảo yêu cầu NHTM phải căn cứ vào thực tế nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thực tế có tại từng thời điểm để xây dựng kế hoạch và cho vay sau khi đã đảm bảo quy định về tỷ lệ về khả năng chi trả và trích lập dự phòng rủi ro. Sở dĩ công ty tài chính được áp tỷ lệ quy định cao hơn so với NHTM và chi nhánh NH nước ngoài vì công ty tài chính không được nhận tiền gửi của cá nhân.

Về nguồn vốn, dự thảo quy định rõ cách xác định từng loại nguồn vốn dựa trên các tiêu chí: phải có sẵn, có thể sử dụng được ngay để cho vay; có thời hạn được sử dụng và không tính thời hạn gửi ban đầu, thời hạn đã cho vay. Thông tư cũng quy định TCTD phải sử dụng hết nguồn vốn trung hạn và dài hạn để cho vay, sau đó mới được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn.

Có thể thấy, thông tư này được NHNN xây dựng nhằm thay thế Thông tư 13 và 19 ban hành năm 2010 (về các tỷ lệ an toàn vốn) và Thông tư 15 ban hành năm 2009 (quy định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được NH sử dụng cho vay trung - dài hạn). Văn bản dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-10.

Các tin khác