Nhiều gói thầu EPC lớn chậm tiến độ

Việc hàng loạt gói thầu EPC (hợp đồng xây dựng mà nhà thầu phải thực hiện toàn bộ công việc) của các dự án lớn chậm tiến độ đang để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Việc hàng loạt gói thầu EPC (hợp đồng xây dựng mà nhà thầu phải thực hiện toàn bộ công việc) của các dự án lớn chậm tiến độ đang để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Tỷ lệ trúng thầu cao, chất lượng thực hiện thấp

Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng) là dự án điển hình về chậm tiến độ. (Ảnh: Báo ĐT)
Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng) là dự án
điển hình về chậm tiến độ. (Ảnh: Báo ĐT)

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, hầu hết các dự án nhiệt điện than, khai khoáng, hóa chất, luyện kim, xi măng triển khai từ năm 2005 đến nay do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, với tỷ lệ trúng thầu rất lớn. Đơn cử, tỷ lệ trúng thầu của các nhà thầu Trung Quốc lên tới 90%. Chất lượng đấu thầu thấp đã dẫn đến một thực trạng đáng báo động là, phần lớn các dự án do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC bị kéo dài thời gian xây dựng và chậm tiến độ bàn giao so với hợp đồng.

Chậm nhất là Dự án Xây dựng Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng) của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Dự án này khởi công từ ngày 27/7/2003, nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao. Rất nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành than quản lý và làm chủ đầu tư chậm tiến độ, như Nhiệt điện Cao Ngạn chậm 28 tháng, Nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, Nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng. Các dự án do ngành điện quản lý và làm chủ đầu tư, như Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2, Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 chậm từ 18 đến 24 tháng và đến nay vẫn chưa thể bàn giao.

Không những thế, chất lượng thiết bị trong gói thầu EPC không đồng đều, phần lớn thiết bị phụ trợ có chất lượng thấp, nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và tiến độ công trình. Ví dụ, bộ phận đuôi hơi của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn; thiết bị phụ và hệ thống thải tro xỉ Dự án Nhiệt điện Sơn Động; đường ống sinh hơi, máy nghiền và hệ thống than của các dự án nhiệt điện tại Hải Phòng, Quảng Ninh… trong quá trình vận hành thử đã bộc lộ khiếm khuyết, buộc phải dừng lại để sửa chữa hoặc thay thế. Ngoài ra, khi triển khai, trong nhiều trường hợp, nhà thầu đề nghị thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị công trình.

Thiệt hại lớn cho nền kinh tế

Sau năm 2005, khi Luật Đấu thầu có hiệu lực, hầu hết các dự án phải đấu thầu từ 2 lần trở lên mới chọn được nhà thầu, cá biệt có dự án kéo dài thời gian đấu thầu đến 3 năm.

TS. Nguyễn Hữu Từ, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng nhấn mạnh, việc kéo dài thời gian xây dựng các dự án điện đã làm chậm kế hoạch phát điện, trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn phải mua điện của nước ngoài với giá cao. Điều đó gây thiệt hại kinh tế không chỉ đối với ngành điện, mà với cả các ngành sản xuất khác, do tình trạng thiếu điện.

Mặt khác, việc trúng thầu quá dễ dàng của các nhà thầu nước ngoài còn làm mất cơ hội phát triển của công nghiệp phụ trợ trong nước và làm gia tăng nhập siêu (các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu kéo theo hệ quả là họ sử dụng các thiết bị phụ trợ được nhập khẩu từ Trung Quốc).

TS. Dương Văn Cận, Phó tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam thì cho rằng, Việt Nam chưa có chế tài đủ mạnh để lựa chọn các nhà thầu quốc tế xứng tầm. Trong nhiều gói thầu lớn, sau khi trúng thầu, nhà thầu nước ngoài lấy lý do họ đã thắng thầu thì được toàn quyền điều hành, kể cả đưa lao động nước ngoài, các dịch vụ vệ sinh, ăn uống vào mà chúng ta chưa có các quy định pháp lý cụ thể để kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề xuất, Chính phủ cần có các biện pháp xử lý mạnh tay đối với các chủ đầu tư “làm ngơ” để nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài, buông lỏng quản lý hoạt động EPC đối với các nhà thầu nước ngoài, dẫn đến tình trạng đòi tăng giá, thay đổi vật tư, thiết bị, chậm tiến độ, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Các tin khác