TPHCM - Cần đột phá trong phát triển du lịch

Trong giai đoạn mới, yêu cầu phát triển ngành du lịch TPHCM nhanh và bền vững là một trong những nội dung quan trọng, gắn liền với sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Với bề dày trên 300 năm tuổi, TPHCM chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hóa khác nhau: Việt Nam, Hoa, Chăm, Khmer…

Trong giai đoạn mới, yêu cầu phát triển ngành du lịch TPHCM nhanh và bền vững là một trong những nội dung quan trọng, gắn liền với sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Với bề dày trên 300 năm tuổi, TPHCM chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hóa khác nhau: Việt Nam, Hoa, Chăm, Khmer…

Bên cạnh đó, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, TPHCM đã trở thành đầu mối giao thông quan trọng của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Với vị thế là một trong những trung tâm tiếp nhận, trung chuyển khách lớn nhất nước, có lợi thế về cảng biển, sân bay, đường bộ kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành trong cả nước, với các nước trong khu vực và toàn cầu, có lợi thế về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất. Nơi đây cũng hội tụ nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử.

Tất cả yếu tố trên đang khẳng định vai trò của TPHCM trong phát triển thành trung tâm du lịch lớn nhất nước. Tuy vậy, để khai thác và đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch là điều không đơn giản.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp cơ bản phát triển du lịch bền vững TPHCM trong xu thế hội nhập hiện nay. Thứ nhất, trong các chương trình hành động của ngành du lịch TP, nên tập trung, chú trọng hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thứ hai, ngành du lịch TP cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin thị trường, các kế hoạch hợp tác để hình thành và phát triển các tour du lịch mới, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, mang bản sắc riêng, đặc thù của TP; tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, để có tiền đề phát triển và thực sự trở thành “ngành công nghiệp không khói”, TPHCM cần đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường biển, đường sông… để tiếp cận các điểm du lịch hấp dẫn giữa các tỉnh Đông Nam bộ; tạo sự “kết nối vùng” đa cực, đa tầng, liên kết, gắn kết giữa các điểm, các tuyến du lịch tạo thành một chỉnh thể thống nhất. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc liên kết để phát triển là xu thế tất yếu của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần tăng cường liên kết cơ quan quản lý du lịch quốc gia, các cơ quan xúc tiến du lịch, công ty lữ hành các tỉnh lân cận trong hoạt động khai thác du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng, nhằm mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển du lịch, tạo sự ổn định của hệ thống dịch vụ sử dụng, mức giá cạnh tranh với các điểm đến khác; thường xuyên có sự phối hợp trong vấn đề tạo ra sản phẩm chung cũng như việc nghiên cứu đổi mới sản phẩm du lịch - văn hóa mang nét riêng của TPHCM với phương châm: mới - lạ - độc đáo - sáng tạo.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, với những chương trình, hành động cụ thể, định hướng tốt và kết hợp đồng bộ các giải pháp có tính khả thi, cộng với tiềm năng sẵn có, du lịch TPHCM sẽ phát triển nhanh và còn phát triển bền vững. Việc phát triển du lịch bền vững càng có nhiều ý nghĩa to lớn đối với TPHCM, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, góp phần giúp TP tạo nên những bước đột phá đi lên, xứng tầm với tiềm năng phát triển của mình.

Vì thế, phát triển du lịch của TP không chỉ gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa, mà còn cần gắn với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mang tên Bác.

Các tin khác