Phát huy thế mạnh ngành thủy sản

4 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu nước ta lên đến 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 26,9 tỷ USD). Đóng góp lớn vào tốc độ trên là các mặt hàng chủ lực, như dầu thô (2,45 tỷ USD, tăng trưởng 41,4%); dệt may (3,9 tỷ USD và 33,1%); gỗ và sản phẩm gỗ (1,15 tỷ USD và 12,9%); giày dép (1,74 tỷ USD và 26,4%); cà phê (gần 1,4 tỷ USD, tăng gần 112%)…. Trong đó, thủy sản tiếp tục gây ấn tượng với kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD, tăng trưởng 27,8%.

4 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu nước ta lên đến 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 26,9 tỷ USD). Đóng góp lớn vào tốc độ trên là các mặt hàng chủ lực, như dầu thô (2,45 tỷ USD, tăng trưởng 41,4%); dệt may (3,9 tỷ USD và 33,1%); gỗ và sản phẩm gỗ (1,15 tỷ USD và 12,9%); giày dép (1,74 tỷ USD và 26,4%); cà phê (gần 1,4 tỷ USD, tăng gần 112%)…. Trong đó, thủy sản tiếp tục gây ấn tượng với kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD, tăng trưởng 27,8%.

Nhiều yếu tố thuận lợi

 Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: LÃ ANH
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: LÃ ANH 

Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong nhiều năm tới mặt hàng tôm sú và tôm chân trắng tiếp tục là đối tượng nuôi chủ lực của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD/năm. Ngoài ra, tôm hùm, tôm nương, tôm càng nước ngọt, cua, ghẹ cũng có tiềm năng đóng góp hầu như không có giới hạn cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu, cá tra đứng ở vị trí thứ 2 với gần 1,5 tỷ USD/năm. Tiềm năng phát triển của cá tra đối với nội địa và xuất khẩu được xác định cũng không thua kém các sản phẩm tôm.

Dẫn một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) về việc Việt Nam là một trong số 20 nước dẫn đầu về thủy sản, đứng thứ 3 về sản lượng nuôi trồng thủy sản (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và đứng thứ 8 về xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, ông John Nielsen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam, cho biết nuôi trồng thủy sản áp dụng các phương pháp thân thiện môi trường là một trong những điểm mạnh của Đan Mạch.

Ngoài ra, trang thiết bị và máy móc là mặt hàng nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất trong ngành công nghiệp thủy sản Đan Mạch. Do vậy, trong mối quan hệ thương mại giữa 2 nước, với tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam, Đan Mạch có thể cung cấp những trang thiết bị thích hợp và hiện đại cho các tàu đánh cá và cho doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam, tạo ra những cơ hội thương mại.

Năm 2011, Bộ NN-PTNT đã đề ra chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản 5,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010. Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là con số có nhiều khả năng thực hiện được do năm 2011 có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ xuất khẩu thủy sản, như tỷ giá và nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới về thủy sản ngày càng có xu hướng tăng. Dù thị trường của các sản phẩm thủy hải sản ngày càng có sự cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều ưu thế do có nguồn cung cấp khá ổn định.

Riêng về cá tra, mới đây Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép thành lập Quỹ Phát triển xuất khẩu cá tra. Mục đích nhằm tạo điều kiện chủ động thực hiện chiến lược đấu tranh chống rào cản thương mại và những thông tin xấu, không chính xác về sản phẩm; xây dựng và phát triển thương hiệu cá tra; vận động hành lang trong giải quyết tranh chấp quốc tế; thúc đẩy hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm ở các thị trường mục tiêu…

Ưu tiên đầu tư kỹ thuật, công nghệ

Tiềm năng lớn nhưng ngành xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể tôm Việt Nam đã xuất khẩu vào 82 thị trường, trong đó 80% khối lượng và giá trị xuất khẩu tập trung vào 10 thị trường hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, giá xuất khẩu luôn thấp so với các nước khác.

Đó là do cung cách làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuyên nghiệp, không đảm bảo thời điểm giao hàng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng không quan tâm đến năng lực thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp mình.

Còn về nuôi trồng thủy sản, tại Hội nghị Tư vấn chương trình thủy sản của Việt Nam do Bộ NN-PTNT và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã cho rằng ngành thủy sản ở Việt Nam còn không ít tồn tại, vướng mắc. Trong đó, những vấn đề bức thiết, cần ưu tiên giải quyết để tiếp tục phát huy vai trò ngành nuôi trồng thủy sản những năm tới là tập trung vào việc xác định cơ cấu các nhóm đối tượng nuôi; quản lý chất lượng nguồn giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi; kiểm soát dịch bệnh, môi trường; công nghệ sau thu hoạch và phát triển thị trường.

Theo ACIAR, ưu tiên hàng đầu đối với ngành thủy sản Việt Nam là kỹ thuật, công nghệ. Đối với tôm sú, ưu tiên lớn là cải thiện chất lượng tôm giống theo hướng kháng bệnh, thuần chủng, có lợi thế tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó công nghệ sau thu hoạch, chế biến phụ phẩm tôm và cá tra cần được đầu tư, nâng cấp nhằm giảm chi phí xử lý môi trường, giảm tiêu hao nước, nâng cao tỷ lệ thu hồi sản phẩm và sử dụng phụ phẩm để chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng như chitosan, gelatin… nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm.

------------

> 3 ngành xuất khẩu chủ lực- Chưa tạo mũi nhọn đột phá

Các tin khác