3 ngành xuất khẩu chủ lực- Chưa tạo mũi nhọn đột phá

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), may mặc, thủy sản và điện tử từ lâu đã trở thành những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu 3 ngành này rất thấp và được sản xuất ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế.

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), may mặc, thủy sản và điện tử từ lâu đã trở thành những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu 3 ngành này rất thấp và được sản xuất ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế.

Kim ngạch cao, lợi nhuận thấp

Năm 2010, ngành dệt may đã có những nỗ lực đáng ghi nhận: Vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bứt phá đạt kim ngạch xuất khẩu 11,2 tỷ USD, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có quy mô xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thành công đáng ghi nhận là ngành dệt may đã duy trì và gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh dệt may thế giới đang trong tình trạng giảm sâu (12-15%) và nước ta vươn lên chiếm vị trí thứ 2 về thị phần tại Hoa Kỳ, vị trí thứ 3 tại châu Âu và Nhật Bản.

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua nhưng phải thừa nhận nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Các ngành xuất khẩu chủ lực tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ cho các ngành xuất khẩu mũi nhọn đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao, vẫn còn xảy ra tình trạng nhập khẩu nguyên liệu số lượng lớn để chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Biên,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Tuy nhiên, dù giá trị xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận thu về lại thấp. Một giám đốc trong ngành dệt may nhận định trong năm 2010 số đơn vị đạt được lợi nhuận 5%/tổng doanh thu rất ít, đa số chỉ đạt 3%. Những đơn vị gia công hàng xuất khẩu mức lợi nhuận thu được còn thấp hơn, tính ra giá thành mỗi chiếc áo sơ mi chỉ lời vài ngàn đồng.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ngành thủy sản đã có những kết quả đáng phấn khởi khi đạt 5,03 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010, tăng 18,3% so với năm 2009 và vượt chỉ tiêu đề ra khoảng 7,5%. Trong top 20 thị trường xuất khẩu hàng đầu (chiếm trên 70% về kim ngạch và sản lượng) chỉ có 6 thị trường giá xuất khẩu giảm không đáng kể, 14 thị trường còn lại đều tăng.

Thế nhưng đa số doanh nghiệp thủy sản tăng doanh số bán hàng và doanh thu, nhưng lợi nhuận thu về không đáng kể. Nguyên nhân do giá cả nguyên liệu tăng cao và nhiều chi phí phát sinh khác như lãi suất, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá xuất khẩu lại thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu ngành hàng này trên thế giới.

Điện tử từ lâu đã được xem là ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều chính sách khuyến khích khối tư nhân tham gia để đẩy nhanh hội nhập nền điện tử ASEAN và thế giới. Theo đó, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua kế hoạch tổng thể phát triển ngành này đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 với kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt mức 5 tỷ USD vào năm 2010.

Thế nhưng đến năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu chỉ đạt gần 3,6 tỷ USD, đáng chú ý là khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Fujitsu, Canon, Orion-Hanel… chiếm đến 99% tỷ trọng hàng xuất khẩu, trong đó các sản phẩm công nghiệp phụ trợ đều nhập khẩu hoàn toàn. Các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước và doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 1%, quá ít.

Phát triển thiếu căn cơ

Các nhà sản xuất trong nước phải có kế hoạch đầu tư nuôi trồng thủy sản, đồng thời hỗ trợ các hộ nuôi nhỏ lẻ phát triển vùng nuôi, chủ động nguyên liệu đầu vào, tiến tới giảm khoảng 30% nguyên liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng nên quan tâm tổ chức lại thị trường bằng cách xem xét việc thành lập Ban đại diện cộng đồng xuất khẩu thủy sản tại các thị trường tiềm năng thay vì làm ăn riêng lẻ, đối tác tay đôi.

Ông Lương Lê Phương,
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Dù nằm trong danh sách những ngành kinh tế mũi nhọn nhưng nhiều chuyên gia nhận định 3 ngành công nghiệp trên phát triển chưa cân đối. Mới những tháng đầu năm nhưng các doanh nghiệp đã bắt đầu chịu áp lực lớn về nguyên liệu vì hầu hết nguồn nguyên liệu sản xuất đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Thí dụ, nguyên liệu chủ yếu cho dệt may là bông nhưng nguồn bông trong nước chỉ chiếm khoảng 1% nhu cầu sản xuất. Khi giá bông không ngừng biến động, tăng cao đã khiến giá thành sản phẩm tăng theo 30-40%.

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2011, nguyên phụ liệu, bông sợi và vải ngành dệt may nhập khẩu đã đạt khoảng 670 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2010. Vấn đề đáng lo ngại nữa, theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, chuyên gia CIEM, nguồn nguyên phụ liệu cung ứng nhập khẩu hiện nay chủ yếu từ Trung Quốc. Hàng năm lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu ngành dệt may, trong khi nước này không phải là thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta trong lĩnh vực này.

Với ngành thủy sản, nguồn nguyên liệu trong nước đang dần co hẹp do không có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và nhà chế biến. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 năm gần đây, cả nước đã nhập khẩu khoảng 150.000 tấn thủy sản các loại/năm, trong đó nguyên liệu thủy sản đông lạnh để chế biến tái xuất khẩu chiếm 96%. Giá mua, thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển khiến giá thành sản phẩm làm từ nguyên liệu nhập khẩu luôn cao hơn sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu trong nước. Trong năm qua, nhiều nông dân đã phải chịu lỗ nặng do giá cả con giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Nhiều hộ đã bỏ ao, không còn mặn mà với việc nuôi trồng thủy sản cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Bản thân doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất, chỉ quan niệm thiếu hàng thì nhập. Từ đó diễn ra tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh nhau về giá, bán ra giá thấp khiến nhiều mặt hàng như cá da trơn, tôm đông lạnh bị áp thuế chống bán phá giá ở nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Nước ta nổi tiếng với lợi thế về sản phẩm thủy sản như cá tra, basa nhưng tính ra 1kg cá philê của doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán được 2,5USD, trong khi sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp Đức bán với giá 9EUR/kg.

Cần chính sách hỗ trợ

Về những bất cập trong ngành điện tử, theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA), ngoài vấn đề nhân lực, doanh nghiệp ngành điện tử tuy đông về số lượng nhưng hầu hết là tự phát, chưa hoạt động chuyên nghiệp, chưa có tính liên kết. Doanh số chỉ tập trung vào nhóm các công ty lớn và doanh nghiệp FDI.

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009, nhiều công ty FDI rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng không nhỏ đến công suất chung toàn ngành. Những năm qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân nở rộ nhưng chỉ về lượng, còn về chất chưa được đầu tư đúng mức.

Đầu tư công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm tại CTCP Tập đoàn Thái Tuấn. Ảnh: V. DŨNG

 Đầu tư công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm
tại CTCP Tập đoàn Thái Tuấn. Ảnh: V. DŨNG

Nguồn nhân lực cung cấp cho ngành này đòi hỏi kiến thức cao nhưng cho đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đào tạo bài bản. Đặc biệt tính chất công việc còn mang nặng gia công, lắp ráp sản phẩm do thiếu trình độ kỹ thuật nên sản phẩm bán ra giá thấp.

Điều này đã dẫn đến tình trạng cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng, sản phẩm điện tử tiêu dùng chiếm đến 80% tổng lượng sản phẩm, trong khi sản phẩm chuyên dùng chỉ chiếm 20%. Vì vậy, nhiều năm qua, ngành điện tử vẫn chưa có bước đột phá nào để đưa Việt Nam vào bản đồ điện tử thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc lựa chọn ngành công nghiệp mũi nhọn mới chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Quan trọng hơn là khi chọn được ngành mũi nhọn, các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện ra sao. Thí dụ, dù đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng những chính sách ưu tiên để phát triển ngành dệt may, thủy sản vẫn chưa thật sự khuyến khích, tạo lợi thế cho ngành.

Cụ thể, nguyên liệu dệt may nhập khẩu phục vụ thị trường nội địa vẫn bị áp thuế 12% nên các doanh nghiệp không thể giảm chi phí đầu vào. Phía VASEP cũng cho rằng thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản ở mức 10-20% như hiện nay là quá cao, làm giảm kim ngạch xuất khẩu, tăng nhập siêu. Ngoài ra, thủ tục thông quan quá rườm rà, qua quá nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp lại phải chịu nhiều khoản phí phát sinh do kiểm tra, kiểm nghiệm, lưu kho bãi...

-----------

> Phát huy thế mạnh ngành thủy sản

Các tin khác