Những công trình hoang

Bài 3: Làng đại học vẫn là… xóm nhà lá

> Bài 1: Dự án 10 năm vẫn chưa hết "treo"

> Bài 1: Dự án 10 năm vẫn chưa hết "treo"

> Bài 2: Công viên "trùm mền"

Tháng 10-2001, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung khu đô thị Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM (trên địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, sau 10 năm, dự án này vẫn ì ạch, nhiều công trình dở dang, làng đại học vẫn chỉ là một… làng ở ngoại ô với những căn nhà trọ chật chội, xung quanh là quán nhậu, karaoke và nhiều tệ nạn xã hội.

Xóm lều, xóm tệ nạn

Hình ảnh phản cảm đập vào mắt mọi người ngay khi bước vào khuôn viên khu đô thị ĐHQG TPHCM là những dây phơi đủ thứ áo quần che lấp cả những bảng hướng dẫn đường vào các trường, viện, trung tâm. Theo phản ánh của sinh viên, hiện tượng này diễn ra thường xuyên, ai cũng thấy chướng mắt nhưng không ai nhắc nhở, tháo dỡ. Khu đất thuộc ĐHQG quản lý hiện vẫn còn rất nhiều bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Đối diện trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) vẫn còn hàng trăm hộ dân dựng lều, nhà tạm nhếch nhác để kinh doanh các dịch vụ ăn uống. Các hộ dân này thuộc diện phải di dời để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng của ĐHQG, nhưng do chưa giải tỏa được nên cứ sau mỗi năm số hộ dân liên tục tăng lên. Hàng ngàn sinh viên không được bố trí chỗ ở trong ký túc xá phải thuê phòng trọ trong các căn chòi ở đây.

Bên cạnh Trường ĐH Khoa học tự nhiên vẫn nhếch nhác kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ảnh: Thanh Vy

Bên cạnh Trường ĐH Khoa học tự nhiên vẫn nhếch nhác kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Ảnh: Thanh Vy

Các nữ sinh viên năm thứ nhất Khoa Địa lý Trường ĐH KHXH-NV than thở: “Tụi em lúc nào cũng phập phồng lo sợ, vì ở đây hẻo lánh và mất an ninh. Phòng trọ chỉ có 10m2, không có giường nằm, nhưng chi phí thuê 700.000 đồng/tháng, chiếm gần hết tiền hàng tháng bố mẹ gửi vào. Trên đường vào trường, sinh viên phải đi qua một cái chợ rất bẩn. Mong ĐHQG sớm chỉnh trang lại đường sá, cảnh quan xung quanh để bớt tối tăm”. Thật vậy, qua 10 năm triển khai quy hoạch, con đường dẫn vào trường ĐH KHXH-NV vẫn chật hẹp, lầy lội. Hai bên đường người dân bày bán đủ thứ. Gần đó, hàng chục quán cà phê, quán nhậu bình dân mở nhạc ầm ầm.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Chủ nhiệm Khoa Đô thị học Trường ĐH KHXH-NV, bức xúc: “Người ta vẫn gọi khu đô thị ĐHQG TPHCM là xóm lều, xóm tệ nạn, bởi thực tế suất kinh phí đầu tư cho các trường hàng năm quá thấp nên không thể phát triển cơ sở vật chất được. Hiện nay sinh viên vẫn còn nhiều thiệt thòi trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Nhiều trường vẫn thiếu phòng học, thư viện nghèo nàn, phòng thí nghiệm và thực hành không đạt chất lượng. Sinh viên không có nhiều sân chơi giải trí, học tập lành mạnh đúng nghĩa như một đô thị đại học mà chúng ta mong muốn xây dựng”.

Thiếu tiền, thiếu đủ thứ

Theo quy hoạch chung ĐHQG TPHCM, tổng diện tích khu đất của dự án là 643,7ha, phục vụ quy mô đào tạo đến 50.000 sinh viên. Nơi đây sẽ hình thành 7 phân khu chức năng: khu trung tâm, khu học tập của các trường thành viên, khu nghiên cứu - triển khai khoa học công nghệ, khu thể dục - thể thao, khu giáo dục quốc phòng, khu nhà ở sinh viên, khu nhà ở công vụ. TS. Nguyễn Đình Tứ, Phó Chánh văn phòng ĐHQG TPHCM, giãi bày: “ĐHQG TPHCM được giao làm chủ đầu tư và chúng tôi đang rất cố gắng để xây dựng nơi đây thành một đô thị đại học hiện đại, tạo sức mạnh tổng hợp của các trường thành viên, đồng thời thực hiện chủ trương di dời các trường đang hoạt động ở trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, nhanh hay chậm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Lúc dự án mới được phê duyệt, tổng kinh phí được duyệt tại thời điểm đó chỉ 6.800 tỷ đồng. Nhưng thời điểm này số vốn đầu tư phải điều chỉnh tăng lên gấp 4 lần so với ban đầu mới đủ. Lý do cơ bản vẫn là trượt giá, tiền đền bù, giá vật liệu xây dựng đều tăng, thêm vào đó ĐHQG phải xây dựng hạ tầng cho những thành viên mới nên chi phí đầu tư bị đội lên rất nhiều”.

Hiện nay tổng số sinh viên của ĐHQG TPHCM và các trường khác như ĐH Nông Lâm, ĐH Thể dục Thể thao… lên đến 150.000 người, tương đương với đô thị loại 2 hoặc loại 3. Quy mô khu đô thị ĐHQG TPHCM có diện tích 643,7ha, cũng đã tương đương với một thị trấn. Thế nhưng hiện nay khu đô thị ĐHQG TPHCM vẫn chưa có quy chế của một đô thị ĐH. Vì vậy, cần nhận thức được đúng giá trị ý nghĩa của một đô thị ĐH tương lai.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa

Được biết, trong 10 năm qua, Nhà nước rót vốn đầu tư cho ĐHQG TPHCM 2.000 tỷ đồng, tương đương 200 tỷ đồng/năm. Năm 2011, ĐHQG xin giải ngân 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ được duyệt 400 tỷ đồng. Do thiếu vốn nên trước mắt việc nào cấp thiết mới làm trước. Hiện tại ĐHQG TPHCM chỉ có 1 khu ký túc xá A giải quyết 10.000 chỗ ở, còn khoảng 3.000 sinh viên phải ở trọ bên ngoài. Tới đây, khu ký túc xá B xây dựng tại huyện Dĩ An hoàn thành sẽ giải quyết 40.000 chỗ ở cho sinh viên. Ký túc xá này có vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, quy mô 24 block nhưng chỉ mới đưa vào sử dụng 1 block. Còn rất nhiều công trình dở dang vì thiếu vốn. Các trường thành viên của ĐHQG như ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin thiếu phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành… và đang nợ nhà thầu tiền đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Cũng do thiếu vốn nên việc xây dựng hạ tầng để di dời các trường thành viên ở trung tâm TPHCM ra vẫn đang gặp khó khăn.

Một nguyên nhân quan trọng khiến dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng khó khăn. Trong khu vực của dự án vẫn còn hàng ngàn hộ dân chưa chịu di dời. Quan điểm của ĐHQG TPHCM là nếu để dân sinh sống chung với sinh viên sẽ mất mỹ quan và thiếu an ninh. Các đô thị đại học quốc tế không bao giờ để dân sống cùng sinh viên. Mặt khác, trong quy hoạch không có phần đất dành cho tái định cư. Hiện ĐHQG TPHCM đã ký kết hợp tác với Co.opmart để xây dựng siêu thị, nhà ăn và sắp tới sẽ ký với TCT Văn hóa Sài Gòn để đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí cho sinh viên. Những hạng mục khác sẽ xã hội hóa kêu gọi đầu tư. Song, với nguồn vốn eo hẹp hiện nay, ĐHQG TPHCM cho rằng có thể phải chờ đến năm 2020 đô thị ĐH mới hoàn thiện.

Trong bối cảnh hiện nay nên chọn ra một số trường có khả năng về mặt vật chất, đội ngũ cán bộ để xây dựng thí điểm các khu đô thị ĐH. Như vậy, Nhà nước cần đầu tư lớn, dứt điểm trong thời gian ngắn, đồng thời tiến hành xã hội hóa kêu gọi đầu tư tư nhân vào trường ĐH như các tổ hợp thể thao, nhà ăn công nghiệp, ký túc xá… để sinh lời. Nếu hôm nay không làm, chúng ta sẽ có lỗi rất lớn với các thế hệ sau.

Các tin khác